Sửa hướng dẫn để tránh nhìn đâu cũng thấy dâm ô

Dự thảo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng các tội xâm hại tình dục đã mô tả khá chi tiết, cụ thể các hành vi dâm ô. Điều này tạo thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng dễ soi chiếu hành vi của các nghi can/bị can/bị cáo khi điều tra, truy tố, xét xử.

Bên cạnh mặt được đó, dự thảo cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết mà nếu không chỉnh sửa, khi ban hành sẽ gây khó cho cơ quan tố tụng, thậm chí khiến nhiều người “nhìn đâu cũng thấy hành vi dâm ô”.

Liệt kê nhưng lại thiếu sót, chưa đầy đủ

Theo TS-luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn LS TP.HCM), dự thảo quy định loại trừ trách nhiệm có hai chủ thể là cha mẹ (với con) và giáo viên mầm non (với trẻ mầm non) khi thực hiện chăm sóc thường ngày. Liệt kê như vậy là chưa đầy đủ, bởi với các chủ thể khác như ông, bà (đối với con, cháu), những người chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật và trẻ bị tâm thần thì sao?

“Để việc hướng dẫn không bị sa đà vào những tình tiết vụn vặt theo kiểu liệt kê vừa không đầy đủ vừa mâu thuẫn… thì cần hướng dẫn mang tính khái quát. Cạnh đó, nên chăng trao quyền cho thẩm phán, những người tiến hành tố tụng thể hiện quan điểm trong việc giải quyết từng vụ án, căn cứ vào ý thức chủ quan của người bị buộc tội, phong tục, tập quán, tính chất, mức độ, mối quan hệ giữa người bị buộc tội và bị hại…” - TS Trạch nói.

ThS Trần Thanh Thảo (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng cho rằng việc TAND Tối cao loại trừ hành vi dâm ô đối với hoạt động chăm sóc thường ngày của cha mẹ đối với con, giáo viên mầm non đối với trẻ mầm non là quá hẹp. Lý do là không chỉ cha mẹ, giáo viên mầm non mà còn có cả ông bà, anh chị đối với em… cũng làm nhiệm vụ chăm sóc trẻ em. Do đó, việc quy định theo hướng liệt kê các đối tượng được miễn trừ trong trường hợp này sẽ dẫn đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự không chính xác đối với một số chủ thể thực hiện các hoạt động chăm sóc trẻ em.

Ngược lại, quy định như trên cũng có thể dẫn đến cách hiểu sai khi hai đối tượng cha mẹ và giáo viên mầm non thật sự có hành vi phạm tội. Vì vậy, nên chăng không cần quy định liệt kê để tránh vừa thiếu lại vừa… không chính xác.

Bị can Nguyễn Hữu Linh đang bị CQĐT Công an quận 4, TP.HCM đề nghị vks cùng cấp truy tố về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi vì có hành vi sấn tới kẹp cổ dí hôn bé gái trong thang máy. Ảnh: HTD

Sờ đầu cháu bé mà cũng dâm ô hay sao?

Theo LS Trịnh Văn Hiệp (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Quảng Nam), dự thảo hướng dẫn quá rộng, nhiều hành vi bị coi là dâm ô rất khập khiễng. Chẳng hạn, hướng dẫn quy định những hành vi sờ, hôn, vuốt ve vào mặt, đầu cũng phạm tội là chưa ổn, tức là chỉ xoa đầu, vuốt má nựng nịu đơn thuần mà cũng bị coi là dâm ô.

Về vấn đề này, nhiều người khi được hỏi cũng bày tỏ suy nghĩ tương tự. Chẳng hạn, hành vi rờ đầu ngợi khen đứa bé con của bạn thân mình hay ông bà xoa đầu con cháu mà cũng bị coi là dâm ô thì không ổn chút nào.

Chưa nói, vấn đề bối cảnh của việc thể hiện cử chỉ, hành vi cũng cần phải được xem xét. Một người lớn khi đi vào thang máy, thấy đứa trẻ đi cùng mẹ khoanh tay chào, ông ta xoa đầu khen giỏi thì dứt khoát đó không bao giờ là hành vi dâm ô. Ngược lại, một người đàn ông thấy cháu bé (dù trai hay gái) trong thang máy một mình mà sấn tới kẹp cổ dí hôn con người ta thì đích thị đó là hành vi dâm ô.

Như thế nào là “vùng nhạy cảm”?

Tại điểm a khoản 9 Điều 2 dự thảo liệt kê bốn hành vi “sờ, bóp, hôn, vuốt ve vào những bộ phận, vùng nhạy cảm (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...) trên cơ thể người dưới 16 tuổi”.

“Ngoài ra, dự thảo còn dùng dấu ba chấm khi ví dụ về vùng nhạy cảm. Điều này có thể được hiểu rằng việc đụng chạm đến tay, chân… hay đâu đâu trên cơ thể người dưới 16 tuổi cũng phạm tội. Nó dẫn đến việc áp dụng pháp luật không có ranh giới, xử lý hình sự tràn lan, những người ganh ghét có thể lợi dụng tố cáo nhau” - LS Trịnh Văn Hiệp nhận định.

ThS Trần Thanh Thảo thì cho rằng dự thảo quy định vùng nhạy cảm bao gồm toàn bộ vùng mặt, vùng đầu là quá rộng. Từ đó có thể dẫn đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự một cách tùy tiện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người.

“Quy định theo hướng liệt kê như trên là các nhà làm luật đang tự làm khó mình. Bởi lẽ sẽ không bao giờ là đủ khi trên thực tế những hành vi nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục rất đa dạng và nó tùy thuộc vào mỗi người” - LS Nguyễn Quốc Cường (Đoàn LS TP.HCM) nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới