SINH CON TỪ TINH TRÙNG CỦA NGƯỜI ĐÃ CHẾT

Sửa luật để đảm bảo quyền thừa kế cho trẻ

Trên số báo ra ngày 30-12, Pháp Luật TP.HCM có bài “Thụ tinh từ tinh trùng của người đã chết: Phức tạp về pháp lý”, về trường hợp người vợ là chị Hoàng Thị Kim Dung (Hà Nội) sinh con từ tinh trùng của người chồng đã mất cách đó bốn năm. Từ đây, nhiều vấn đề pháp lý đã được đặt ra như luật chưa điều chỉnh việc xác định cha và quyền thừa kế. Chúng tôi tiếp tục ghi nhận ý kiến các chuyên gia trong vấn đề này.

Không nên luật hóa

Câu hỏi đặt ra là có nên công nhận tình trạng này không? Theo tôi, không nên luật hóa cho người vợ có con với chồng sau khi chồng chết theo hình thức thụ tinh nhân tạo.

Không phải ngẫu nhiên mà nhà lập pháp chọn mốc 300 ngày kể từ ngày cha chết để tính đứa con đó là con chung của vợ chồng. Khoản 2 Điều 21 Nghị định 70/2001 về xác định con chung của vợ chồng có quy định: “Con sinh ra trong vòng 300 ngày kể từ ngày người chồng chết… thì được xác định là con chung của hai người”. Nhà lập pháp dự liệu thời gian mang thai của người phụ nữ và con phải được thành hình trong thời kỳ hôn nhân (có thể sinh ra sau thời kỳ hôn nhân nhưng bắt buộc phải được thành hình trong thời kỳ hôn nhân). Theo khoản 7 Điều 8 của Luật Hôn nhân và Gia đình: “Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân”. Nhà lập pháp không muốn đứa trẻ bị tước đi quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng từ người cha.

Sửa luật để đảm bảo quyền thừa kế cho trẻ ảnh 1

Chuyện thừa kế là một vấn đề lớn trong việc sinh con từ tinh trùng người đã chết. Ảnh: GM

Điều 635 Bộ luật Dân sự (BLDS), người thừa kế “phải là người còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết”. Nếu công nhận việc thụ tinh từ tinh trùng người đã mất, tức phải sửa quy định trên để người con được thừa kế di sản của cha thì thực tế sẽ phát sinh nhiều rắc rối. Trong trường hợp của chị Dung (người mẹ của hai cháu bé vừa được sinh ra) thì câu chuyện mang tính nhân văn. Nhưng nếu luật hóa việc này thì khả năng xảy ra những chuyện không hay. Thử tưởng tượng đứa con ra đời sau năm năm người cha mất, lúc này di sản thừa kế của cha đã được chia. Nếu người con được luật pháp công nhận về mặt thừa kế thì việc chia thừa kế phải được tòa án lật ngược lại từ đầu, những người hưởng di sản phải trả lại tài sản cho người thừa kế khác thì sẽ phức tạp vô cùng.

Mặt khác, nếu luật hóa thì có trái với ý chí (về việc sinh con, hưởng thừa kế…) của người đã mất không? Đó là chưa nói nếu luật hóa sẽ dễ khuyến khích người dân gây ra những rắc rối xã hội khác, đảo lộn quan hệ họ hàng: Người tóc bạc phơ gọi người trẻ là chú, bác. Do vậy, theo tôi không nên sửa vấn đề thừa kế trong Bộ luật Dân sự vì những trường hợp này không phổ biến. Quan hệ cha-con về mặt pháp lý thì luật hiện hành cũng có thể truy nhận cha cho con như những trường hợp cá biệt khác.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trưởng bộ môn Luật Hôn nhân và Gia đình Trường ĐH Luật TP.HCM

Đứa trẻ đang bị khuyết quyền

Cái mốc 300 ngày để xác định quan hệ cha-con trong trường hợp này là hợp quy luật tự nhiên, nếu đứa trẻ được sinh ra trong trường hợp này thì người ta chỉ cần làm thủ tục truy nhận cha cho con.

Tôi thấy cần phải sửa đổi Điều 635 Bộ luật Dân sự để không có bất cứ công dân nào bị pháp luật loại trừ quyền của mình. Đứa trẻ trong trường hợp này không được hưởng thừa kế của người cha theo di chúc (vì người cha không biết đến sự ra đời của trẻ) và cả theo luật. Ở những nước theo hệ thống án lệ, nếu tòa án công nhận đứa con này được hưởng thừa kế của cha (sau khi đã chứng minh quan hệ cha-con) thì những vụ khác về sau sẽ được áp dụng tương tự. Nước ta chưa theo án lệ nên cần phải sửa luật.

Bộ luật Dân sự là một bộ luật điều chỉnh tất cả quan hệ dân sự rộng lớn, mỗi lần sửa đổi, bổ sung rất công phu nên ngay trong đợt bổ sung, sửa đổi lần này tôi thấy cần thiết phải đưa vấn đề này vào. Từ trước đến nay vấn đề thụ thai trong ống nghiệm chưa rộng rãi, y học chưa tiến bộ như hiện nay nên luật cũng chưa lường trước được.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Đây không là trường hợp riêng lẻ

Riêng về mối quan hệ pháp lý cha-con thì không cần phải sửa vì trường hợp này muốn sẽ được giải quyết bằng việc truy nhận cha cho con.

Vấn đề lớn trong chuyện này là thừa kế.

Theo luật hiện hành thì đứa trẻ không được hưởng thừa kế của cha. Tôi không cho rằng đây là trường hợp riêng lẻ. Những người thực hiện ước nguyện có con với người mình yêu thương (đã mất) thường là những gia đình có điều kiện về tài chính. Do vậy vấn đề thừa kế cho người con không phải chuyện nhỏ, nó cần được giải quyết một cách công bằng.

 Là thành viên tham gia biên tập Bộ luật Dân sự sửa đổi, bổ sung, đến nay tôi chưa nhận được ý kiến góp ý nào về vấn đề này. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy cần thiết đưa vào trong đợt sửa đổi Bộ luật Dân sự đang được lấy ý kiến rộng rãi.

PGS-TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Luật,  thành viên biên tập
Bộ luật Dân sự sửa đổi, bổ sung

THANH MẬN ghi

Từng có trường hợp tương tự

TS-BS Lê Vương Văn Vệ (Giám đốc BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) kể trên VNN rằng cách đây vài năm, ông nhận điều trị hiếm muộn cho một cặp vợ chồng người Việt đang sinh sống ở Cộng hòa Czech.

Do hiếm muộn con, họ đã về Việt Nam để chạy chữa. Trong thời gian này người chồng đã gửi tinh trùng vào ngân hàng tinh trùng của bệnh viện rồi hai vợ chồng trở lại Czech. Rủi thay sau đó người chồng đột ngột qua đời.

Sau đó bỏ qua mọi cản ngại, người vợ đã về Việt Nam để thực hiện nguyện vọng có con với (tinh trùng của) người chồng đã mất. Và điều mong muốn của người vợ đã thành hiện thực. Đến nay đứa trẻ con họ đã được năm tháng tuổi.

Thế giới cũng rối 

Trên thế giới có khá nhiều trẻ em ra đời nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của người cha đã mất trước đó. Tuy nhiên, hiện nay luật pháp mỗi nước có những quy định khác nhau về vấn đề sinh sản sau khi chết.

Năm 2010, Avi Borovsky, một người lính Israel mất khi mới 20 tuổi và chưa có vợ. Trước cái chết của con trai, bà Natalya Borovskaja đã nhờ các nhà khoa học lấy tinh trùng của con trai mình và tìm người đẻ giúp.

Luật của Israel chỉ cho phép ưu tiên cho người vợ được làm điều này chứ không phải cha mẹ. Vì vậy, bà Natalya gặp rắc rối vì buộc phải chứng minh mình là người duy nhất “thừa kế hạt giống” của con mình. Mất hơn một năm với các thủ tục rườm rà, bà mới có được đứa cháu cho mình. Gần đây Israel mới điều chỉnh luật trong lĩnh vực này, theo đó bất kỳ công dân nào bằng tên thật đều có quyền gửi tinh trùng tại một ngân hàng chuyên ngành trong năm năm. Luật mới cũng cho phép lấy tinh trùng của quân nhân ngay sau khi bị chết với sự đồng ý của người thân trong gia đình.

Cách đây vài tháng một góa phụ người Anh sử dụng tinh trùng của người chồng đã chết để cố gắng thụ thai. Người này đã lấy tinh trùng của chồng khi ông đang trong tình trạng hôn mê và sắp mất do bệnh tim. Luật pháp nước Anh quy định việc lưu trữ, vận chuyển và sử dụng tinh trùng cho việc thụ tinh trong ống nghiệm của một người đàn ông phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó. Vì thế, bà phải tìm cố vấn pháp lý để được tòa án cho phép sử dụng tinh trùng của chồng dù không được sự đồng ý trên văn bản của ông này.

Sau khi chồng chết, một phụ nữ Mỹ cũng nhờ các nhà chuyên môn lấy và lưu giữ tinh trùng. Ba năm sau, cô thụ tinh nhân tạo và sinh ra một bé gái. Vấn đề thừa kế, giải quyết bảo hiểm của cháu bé gặp khá nhiều rắc rối vì “không có bằng chứng cho thấy người đã mất đồng ý thụ tinh nhân tạo với vợ”. 

(Theo VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm