Hiện nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, sau rất nhiều nỗ lực điều hành vĩ mô và điều chỉnh hàng loạt chính sách, song tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang dưới mức tiềm năng. Trong khi đó, những áp lực khách quan và chủ quan ngày càng gia tăng. Do đó, nhiều chuyên gia băn khăn với câu hỏi: “Sức đề kháng của nền kinh tế Việt Nam đến đâu”?
Tăng trưởng đang dưới tiềm năng
Hôm 29/5, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2014. Đây là báo cáo kinh tế vĩ mô mới nhất đến thời điểm này trong giới nghiên cứu được công bố rộng rãi. Điểm nhấn đáng chú ý là, bên cạnh nêu một loạt những ràng buộc đối với tăng trưởng, báo cáo dự báo con số cụ thể tăng trưởng GDP năm 2014 của cả nước có thể chỉ trong ngưỡng từ 4,15%-4,88%, còn lạm phát trong khoảng 4,76%-5,51%.
VEPR dự báo tăng trưởng GDP năm 2014 của cả nước có thể chỉ từ 4,15%-4,88%(Ảnh minh họa/KT) |
Chỉ số này khiến nhiều chuyên gia một lần nữa thất vọng về “sức khỏe” nền kinh tế. Bởi lẽ, nói như chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương), nền kinh tế thực sự đang tăng trưởng dưới mức tiềm năng. Vì theo ông, nhiều tiềm năng nội lực của nền kinh tế chưa được phát huy. Trong khi đó, nền kinh tế vẫn đang còn luẩn quẩn trong các hạn chế về tăng trưởng, xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán, xử lý nợ xấu, bế tắc trong gỡ bong bóng bất động sản, tái cơ cấu chậm chạp, và đặc biệt là tình trạng doanh nghiệp dân doanh phá sản gia tăng, doanh nghiệp lớn phải mua bán, sáp nhập nhiều....
Dẫn một chứng minh về tiềm năng chưa được phát huy, ông Doanh cho biết, đơn cử trong ngành nông nghiệp, Việt Nam có cơ hội lớn để tăng cường hợp tác với Nhật Bản. Bởi Nhật Bản ra sức chống thịt bò từ Mỹ, nhưng họ rất sẵn sàng rộng đường với thủy sản, nông sản từ Việt Nam. Điểm này cần phải được xem xét nghiêm túc để khai thác lợi thế tiềm năng.
Hay như với thị trường chứng khoán, ông Doanh đề nghị nên có nghiên cứu, xem xét kỹ hơn, thực chất hơn. Thực tế “thị trường này đang như chiếc gương lồi phản chiếu một cách phóng đại các diễn biến của nền kinh tế. Vì khi kinh tế chưa phục hồi lắm thì chứng khoán đã quá vui vẻ. Đến khi có chút tác động như vừa qua, nền kinh tế chưa biến động gì lắm, chứng khoán đã sụt giảm dữ tợn”.
Còn Giáo sư Nguyễn Mại (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài) cũng cho rằng, nền kinh tế tăng trưởng chưa xứng tiềm năng, cần nghiên cứu để phát huy tiềm năng. Dẫn ví dụ từ góc nhìn nguồn lao động người Việt đang làm việc cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, ông Mại cho biết: Thực tế tìm hiểu tại một số doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, Intel... cho thấy, có hàng chục ngàn công nhân người Việt đang làm việc trong các công ty này. Các ông chủ người nước ngoài đều đánh giá cao lao động Việt và tin dùng vì đáp ứng được yêu cầu công việc, không chỉ trong đội ngũ công nhân mà kể cả các kỹ sư.
“Tôi tin chúng ta hoàn toàn có thể tăng trưởng tốt hơn như hiện nay. Vấn đề cần những nghiên cứu kỹ để có một giải pháp phát huy tiềm năng”- ông Mại khẳng định.
Nền kinh tế có khả năng chịu đựng đến đâu?
Trước dự báo không khả quan lắm về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay như VEPR đưa ra, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cần lưu ý xem xét đến khả năng thích ứng với hội nhập và chịu đựng các cú sốc đối với nền kinh tế. Chẳng hạn, Việt Nam đang đàm phán TPP, và sắp tới tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN. Vì, trong cộng đồng ASEAN, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với các đối thủ, còn trong TPP hay các FTA Việt Nam – EU..., Việt Nam sẽ được bổ sung nhiều hơn. Nhưng nhìn chung, đây là cơ hội lớn đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Doanh cũng lưu ý rằng, trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, “chúng ta cần phải phân tích để nhìn rõ sức chịu đựng của nền kinh tế như thế nào và tìm cách ứng xử ra sao?” Hơn nữa, bối cảnh quốc tế phức tạp, “đòi hỏi phải có sự sáng tạo, có sự đổi mới và cải cách. Nhưng cần xem xét năng lực đổi mới, sáng tạo của nước ta như thế nào. Liệu Việt Nam có tiếp tục làm được một cuộc đổi mới có kết quả để cả thế giới ngưỡng mộ như những năm 1986 và 1990 hay không?”.
TS Vũ Viết Ngoạn (Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia) cũng băn khoăn: Cần đánh giá sức chịu đựng của nền kinh tế đến đâu? Vì rằng, hiện nay, năng suất lao động thấp, chỉ 2%, chưa đủ bù đắp cho cắt giảm đầu tư và suy giảm kinh tế. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, không bù đắp được sụt giảm vừa qua, dẫn đến thất nghiệp do không giải quyết được việc làm. Kèm theo đó, giảm năng lực tiêu dùng..., dẫn đến bất ổn xã hội, suy giảm niềm tin, càng dẫn đến tăng trưởng thấp.
Vì thế, theo ông Ngoạn, trong bối cảnh hiện nay, "có 2 câu hỏi đặt ra là: mức tăng trưởng tối thiểu cần thiết là bao nhiều để cho Việt Nam có thể giải quyết công ăn việc làm cho các lao động trong nền kinh tế? Và, trong 2-3 năm tới, liệu Việt Nam có vượt qua bẫy thu nhập trung bình hay vẫn cứ tăng trưởng thấp như hiện nay?
GS,TSKH Nguyễn Quang Thái (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) đề nghị, cần nhìn nhận tăng trưởng trong mối quan hệ giữa kinh tế và xã hội. Bởi, chỉ số tăng trưởng thực sự phải đi liền với giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội... Theo ông Thái, trong ngắn hạn, nền kinh tế chưa thực sự tăng trưởng mạnh mẽ được, vậy điều đó tác động thế nào đến nền kinh tế trong nước, đây là một bài toán cần lưu ý!./.
Theo Xuân Thân/VOV online