Ba “mũi tên” giúp kinh tế Việt Nam tự chủ

Nhà nước tăng vai trò kết nối, DN giảm bớt "cục bộ" để liên kết với nhau, đồng thời thị trường xuất-nhập khẩu phải được mở rộng để nền kinh tế Việt Nam có đủ sức tự chủ.

Nhà nước phải tăng vai trò kết nối DN

Việc Tập đoàn HAGL cùng liên kết với các DN để chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho thị trường sữa trong nước là một ý tưởng tốt. Việc các DN trong nước chuẩn bị tăng cường nội lực, không phụ thuộc vào nguyên liệu ngoại nhập là điều nên làm từ rất lâu rồi.

Tuy nhiên, qua việc này nhìn lại thì thời gian qua Nhà nước chưa quy hoạch tốt vùng nguyên liệu để đảm bảo yêu cầu về sự độc lập, tránh phụ thuộc nguồn nguyên liệu nước ngoài. Rõ ràng chỉ có Nhà nước mới làm được những quy hoạch vĩ mô như thế.

Ví dụ, với ngành mía có những lúc ở Việt Nam mía không có đủ để cho DN sản xuất, nhà máy phải đóng cửa. Ngược lại có những thời điểm mía lại quá nhiều, đường nằm trong kho, bán không được… Chúng ta đang gặp vấn đề về quy hoạch ngành.

Kinh tế tư nhân sẽ là một trong những đòn bẩy để phát triển kinh tế, chúng ta cần phải đầu tư hơn nữa để các DN trong nước có đủ năng lực. Từ đây, tôi cho rằng nên đưa “trái banh” này cho Nhà nước, thông qua chính sách khuyến khích liên kết cụ thể (đất đai, lãi suất…) để yêu cầu các hiệp hội cùng ngành ngồi lại để giải quyết, tạo niềm tin lẫn nhau để DN an tâm đầu tư.

DN nội "cục bộ", không chịu liên kết sẽ “chết”

Trong câu chuyện HAGL đã đổ hàng ngàn tỉ đồng vào dự án này để nuôi bò, đáng lẽ ra các DN sữa nội khác cũng nên cùng ngồi lại với nhau chứ không chỉ mình Nutifood như hiện nay. Điều đáng tiếc là từ trước tới nay DN trong nước chưa sẵn sàng liên kết để tạo ra thế mạnh về nguồn nguyên liệu.

Nhiều DN nội có tâm lý làm vua một cõi. Cuối cùng NTD thì không có lợi mà bản thân các DN vẫn phải lệ thuộc vào những thị trường nước ngoài. Đây là câu chuyện từ rất lâu của chúng ta. Nhìn nhận lại trong ba năm vừa qua, DN trong nước tăng trưởng xuất khẩu chỉ 1%-2% trong khi DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng trưởng gần 20%.

Phải chăng DN nội chưa đủ năng lực để hội nhập? Khi năng lực các DN trong nước chưa sẵn sàng và chưa đủ lực thì chỉ còn cách liên kết lại với nhau để có thể “sống”.

Công nghệ kém: Đừng mơ giảm lệ thuộc

Thời gian qua do biên giới Trung Quốc (TQ) cách một bước chân, điều kiện nhập khẩu dễ dàng đã khiến nhiều DN Việt Nam không cố gắng đi tìm thêm thị trường nhập khẩu hàng hóa khác do sợ khó khăn và đắt hơn. Điều đáng lưu ý hơn là trong thời gian dài, chúng ta biết cán cân thương mại Việt-Trung đã tiềm ẩn những rủi ro phải được giải quyết nhưng chúng ta vẫn cứ chậm chạp xử lý.

Thế nên mới có nhận định Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều về nhập thiết bị, máy móc và nguyên liệu từ thị trường TQ. Mà khi làm ăn chúng ta phải thấy rằng sự lệ thuộc sẽ có rủi ro. Bởi chỉ lệ thuộc một ông mà ông đó “hắt hơi, sổ mũi” thì chúng ta chết.

Đến lúc này thì phải khẳng định rằng chúng ta buộc phải mở rộng những thị trường mới, dù khó khăn và thậm chí là nhập khẩu đắt đỏ hơn. Trước mắt, DN có thể giảm lợi nhuận để làm đa dạng hóa nguồn nguyên liệu dần dần. Không nên thay thế 100% nguyên liệu nhập từ TQ mà phải giảm nhập khẩu theo lộ trình.

PHẠM PHÚ NGỌC TRAI, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC)

MAI PHƯƠNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm