“Quan trọng nhất vẫn là cách thức sử dụng xe công hợp lý và tiết kiệm. Bởi người quyết định mua xe lại là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và thường những người này sẽ giành sự ưu tiên cho mình” - ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (QH), nhận định.
Mỗi tỉnh 100 xe là đủ
. Phóng viên: Bộ Tài chính vừa qua cho biết xe công gần 34.000 chiếc, chi phí một năm là 12.800 tỉ đồng, trung bình mỗi xe tốn 320 triệu đồng/năm. Nếu trừ đi số xe công ở Chính phủ, QH rồi chia đều cho 63 tỉnh, thành thì trung bình mỗi tỉnh khoảng 400-500 xe công. Theo ông, con số này nhiều hay ít?
+ Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: So sánh mặt bằng chung giữa các tỉnh thì cũng khó. Chẳng hạn Bắc Ninh là một tỉnh nhỏ, Thanh Hóa là một tỉnh lớn thì số lượng xe công cũng phải khác nhau. Nhưng theo tôi, nếu mỗi tỉnh có 400-500 xe công thì quá nhiều. Nếu chỉ riêng hệ thống chính quyền các cấp thì mỗi địa phương chỉ cần 100 xe công là đủ.
. QH đã có nghị quyết khoán xe công từ khá lâu nhưng việc này chỉ được quan tâm khi Bộ Tài chính khoán xe công cho cả các thứ trưởng. Ông nghĩ gì về sự chậm trễ này?
+ Trước hết phải nói lý do là do đi xe công rất… oai! Người được cấp xe công thì được toàn quyền sử dụng nó. Đi đâu cũng được, miễn là đi công việc. Trong khi nếu phải “xin” xe công thực hiện công vụ thì cũng rất nhiêu khê.
. Chuyện khai khống xăng, số kilomet di chuyển dường như rất phổ biến, thưa ông?
+ Chuyện này lại không tùy thuộc vào những người sử dụng xe công. Xe của Nhà nước, tài xế thì lại trực tiếp quản lý xe. Nếu nghiêm túc thì chắc mỗi xe không đến 320 triệu đồng/năm. Bởi như tôi, nếu không đi công tác xa thì mỗi tháng chỉ hết 1.500 km là cùng. Nhưng cũng có những vị chỉ đưa đón trong nội thành Hà Nội mà mỗi tháng xe đi tới 5.000-6.000 km.
Không có quy định nào tạo ra bất bình đẳng giữa xe biền số xanh và biền số trắng. Ảnh: HTD
Cảnh sát ngại xử lý xe công vi phạm vì mất thời gian
. Tình trạng xe công được ưu ái khi đi đường cũng là một trong những lý do để người ta không muốn khoán, không muốn bỏ xe công?
+ Chính xác! CSGT cũng ngại xử lý xe công vi phạm bởi rất mất thời gian, phiền phức. Phần lớn người sử dụng xe công là lãnh đạo, có nhiều mối quan hệ và khi xe vi phạm thì sẽ can thiệp. Tài xế vì vậy đôi khi dựa vào “uy” của thủ trưởng mình.
. Có ý kiến cho rằng xe biển xanh và biển trắng phải bình đẳng, kể cả khi đi đường lẫn vào các cơ quan khác.
+ Không có quy định nào tạo ra bất bình đẳng giữa xe biển trắng và xe biển xanh trừ khi xe biển xanh đang thực hiện công vụ. Điều này tôi mong các lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông cần nghiêm túc, đừng ưu ái xe công trong những trường hợp bình thường.
Lúc cao điểm có khoảng 5-6 người nhận khoán
. Văn phòng QH còn duy trì việc khoán xe công không, thưa ông?
+ Văn phòng QH khoán xe ở mức 10 triệu đồng trong vòng bán kính 15 km kể cả đi họp. Còn trên 15 km thì sẽ cấp xe đi.
Lúc cao điểm có khoảng 5-6 người nhận khoán. Nhiều vị nhà gần, đi làm rất tiện và được lợi nhiều nếu đi xe máy hoặc taxi. Nhưng những người ở xa thì không ai nhận.
. Ở Nhật chỉ có thủ tướng có xe công. QH Thụy Điển thì chỉ có một mình chủ tịch QH được xe công đưa đón… Tôi nghĩ đây cũng là điều cần suy nghĩ.
+ Đúng là số lượng công chức thuộc diện được phục vụ xe công ở các nước ít hơn ở Việt Nam. Nhưng hiện nay nếu Việt Nam tiết kiệm hơn, thực hiện đúng tiêu chuẩn được cấp xe công hiện hành thì cũng tốt lắm rồi.
Chẳng hạn ở địa phương, có ba chức danh có xe công đưa đón là: bí thư, chủ tịch UBND và phó bí thư thường trực. Diện sử dụng xe công theo quy định như thế là rất ít. Nhưng cứ về địa phương thì thấy các đồng chí phó bí thư, phó chủ tịch, giám đốc sở đều có xe công đưa đón. Vấn đề là người ta không công khai các tiêu chuẩn được đưa đón. Thế nên kể cả phó trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh cũng có xe đưa đón mặc dù không có tiêu chuẩn.
. Ông thấy có những dạng lạm dụng, tận dụng xe công như một đặc lợi thế nào?
+ Nhiều lãnh đạo địa phương dùng cả xe công đưa cả nhà đi nghỉ, đi chơi. Tôi biết có những đồng chí từ trong Nam tranh thủ đi ra Hà Nội họp dùng một xe công chở 5-7 người… đi xuyên Việt. Đôi khi còn có trường hợp thủ trưởng bay ra trước, còn tài xế và đội phục vụ đi sau. Họp xong thì cả đoàn đi vi vu các tỉnh phía Bắc. Cái đó mới tốn vì sẽ di chuyển hàng ngàn kilomet.
Tôi nói thẳng, còn có những đồng chí ra họp QH một tháng thì cuối tuần nào cũng về với lý do chỉ đạo công việc. Trong khi đó về nguyên tắc chung, khi đã đi họp QH thì lãnh đạo phải phân công cấp phó giải quyết công việc rồi. Thậm chí nếu áp dụng công nghệ thì ở Hà Nội cũng có thể chỉ đạo công việc được. Một kỳ họp QH mà về 5-7 lần, mỗi lần về tốn hàng chục triệu.
. Như thế phải cắt giảm đầu mối cơ quan để có thể không chỉ cắt giảm xe công mà còn có tác dụng tốt trong nhiều lĩnh vực khác, chẳng hạn như tinh giản biên chế, thưa ông?
+ Ở một vụ, chỉ cần một vụ trưởng, hai vụ phó thì tiêu chuẩn xe công chỉ có ba người. Nhưng nếu vụ ấy có tới 7-8 vụ phó thì số lượng người sử dụng xe công sẽ nhiều lên. Trừ trường hợp vụ đó hết xe chứ nếu có nhiều xe công thì không có lý do gì những ông vụ phó lại không đòi xe cho mình.
. Xin cám ơn ông.
Có xe thanh lý chỉ 6 triệu đồng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) mới đây cho hay: Số lượng xe công tính đến 31-12-2016 là 34.214 chiếc. Trong đó, xe phục vụ các chức danh là 864 chiếc, công tác chung 17.047 chiếc, xe chuyên dùng hơn 16.300 chiếc. Tổng chi phí cho hơn 34.000 xe công này là 12.800 tỉ đồng/năm. Chi phí cho một xe công trung bình là 320 triệu đồng/năm, bao gồm khấu hao xe, chi phí cho lái xe, chi phí xăng xe và bảo hiểm sửa chữa. Số xe công đã thanh lý là 1.105 xe, số tiền thanh lý thu được từ 761 xe đã được báo cáo là 35,15 tỉ đồng, bình quân 46,2 triệu đồng/xe; có xe giá chỉ 6 triệu đồng. Ngoài ra, còn 2.000 chiếc xe công được xác định dư thừa và phải thanh lý nhưng các bộ ngành, địa phương chưa báo cáo hết về Bộ Tài chính. |