Ba nhóm biểu hiện ở trẻ em sau khi mắc COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
 Video: Ba nhóm biểu hiện ở trẻ em sau khi mắc COVID-19

Thời gian gần đây, cùng với tình hình đi học trực tiếp trở lại, số ca mắc COVID-19 là trẻ em ở TP.HCM cũng tăng cao. Ngoài khám và điều trị COVID-19, các bệnh viện (BV) nhi ở TP.HCM cũng ghi nhận nhiều trường hợp nhập viện và khám ngoại trú do các hội chứng hậu COVID-19 tăng.

Nhiều biểu hiện không rõ nguyên nhân

BS CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP, cho biết BV ghi nhận đến thời điểm hiện tại có khoảng 200 trường hợp khám ngoại trú và nhập viện do di chứng hậu COVID-19.

Đáng lưu ý, trong số này có 115 trường hợp bị viêm đa hệ thống phải nhập viện theo dõi, điều trị thuốc chống viêm, chống đông máu… Trong số trẻ viêm đa hệ thống, có khoảng 10% trẻ có biểu hiện nặng khi lâm vào tình trạng sốc, suy hô hấp, phản ứng viêm hoặc tổn thương cơ quan nặng.

Trẻ mắc hậu COVID-19 cần được theo dõi ít nhất ba tháng sau khi khỏi bệnh. Trong ảnh: Trẻ mắc COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Ảnh: HL

Theo nghiên cứu ở các nước, tỉ lệ trẻ mắc COVID-19 đã khỏi nhưng vẫn bị triệu chứng hậu COVID-19 chiếm 6%-15%. Trẻ cũng có thể bị rối loạn tâm thần do thời gian cách ly khi mắc bệnh. Những trẻ này cần được hỗ trợ tâm lý, tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng, hô hấp, vận động, điều hòa điện não, tăng cường hệ miễn dịch để hồi phục. 

Qua thống kê, đa phần trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống chưa tiêm vaccine hoặc tiêm vaccine chưa đầy đủ. Sau khi TP triển khai tiêm vaccine cho nhóm trẻ lớn từ 12 đến 18 tuổi thì trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống chủ yếu xảy ra ở nhóm trẻ nhỏ hơn.

Theo BS Tiến, đa số trẻ mắc hậu COVID-19 ở thể nhẹ. Phụ huynh thường đưa con em đến khám với các biểu hiện sau: Nhóm thứ nhất là nhóm trẻ có biểu hiện bị suy giảm trí nhớ, giảm sự tập trung, học hành sa sút, mất ngủ. Một số bé có biểu hiện trầm cảm, thay đổi tinh thần, hành vi tâm lý.

Nhóm thứ hai có biểu hiện mệt, thở hụt hơi, ho có nhiều đàm, chức năng hô hấp bị ảnh hưởng.

Nhóm thứ ba có biểu hiện gặp khó khăn về vận động. “Chẳng hạn trước đây leo cầu thang không biết mệt, giờ phải nghỉ giữa chừng mới leo tiếp được. Trẻ cảm thấy vận động khó khăn, lâu lâu thấy mệt, phải thở lấy hơi” - BS Tiến kể.

Ngoài ra, sau khi mắc COVID-19, trẻ cũng có những biểu hiện đa dạng khác như rụng tóc, khô đầu móng tay chân, rối loạn tiêu hóa, đau đầu…

Tại BV Nhi đồng 2, hầu như ngày nào cũng có trẻ được đưa đến khám các triệu chứng sau khi mắc COVID-19. BS CK2 Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Khoa khám bệnh BV Nhi đồng 2, cho biết đa số trẻ mắc COVID-19 xong khỏi bệnh đều nhẹ, ít có biến chứng hậu COVID-19.

BS Hải kể một số trẻ đến khám với triệu chứng thường gặp là ho, mệt. Có trẻ khi đo nhịp tim thì thấy nhịp tim không cao nhưng trẻ lại ngất, trong khi từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ ngất. Lúc này, bác sĩ sẽ phải khảo sát hệ thần kinh cho trẻ, tiếp cận tình trạng ngất ở trẻ như tình trạng ngất thông thường, đặc biệt là những trẻ động kinh.

Theo các bác sĩ, trẻ sẽ được khai thác tiền sử và làm các xét nghiệm, chẩn đoán để loại trừ các triệu chứng không liên quan đến hậu COVID-19. Chẳng hạn trẻ có dấu hiệu đau phổi, đau ngực sẽ được cho xét nghiệm máu, chụp CT, X-quang, siêu âm, soi đàm tìm vi khuẩn… tìm nguyên nhân. Sau khi khảo sát hết, không có bằng chứng ở các bệnh lý thì bác sĩ nghĩ tới khả năng do hậu COVID-19.

Theo dõi hậu COVID-19 ít nhất ba tháng

Các bác sĩ lưu ý phụ huynh thấy trẻ sau khi khỏi COVID-19 vẫn chơi và sinh hoạt bình thường, không than phiền gì thì không nên quá lo lắng và tiếp tục theo dõi.

Hậu COVID-19 có thể không xuất hiện ngay sau khi khỏi bệnh mà có thể xuất hiện 4-12 tuần sau nên sau khi hết bệnh, gia đình cần theo dõi trẻ thêm ít nhất ba tháng nữa. Phụ huynh có con mắc COVID-19 đã khỏi bệnh, có thể liên hệ đến các BV có chuyên khoa nhi để được tư vấn thêm về tình trạng sức khỏe của bé giai đoạn hậu COVID-19.

“Nếu sau bốn tuần khỏi bệnh, trẻ vẫn còn cảm thấy đau ngực, khó thở nhiều hoặc khó thở lúc nghỉ ngơi, sốt cao liên tục, li bì, rối loạn hành vi, tâm lý, hay quên, thường xuyên thở hụt hơi, ho nhiều có đờm, hồi hộp đánh trống ngực, rối loạn tiêu hóa, khô da, rụng tóc, biếng ăn, giảm cân... thì phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở chuyên khoa” - BS Hải lưu ý.

Lúc này, trẻ sẽ được đánh giá mức độ nặng, tìm nguyên nhân của các triệu chứng hiện tại, mức độ hồi phục của COVID-19, phát hiện các biến chứng, điều chỉnh việc điều trị bệnh lý nền nếu cần để có phương pháp khắc phục sớm.

BS Hải khuyến cáo trẻ có bệnh lý nền, trẻ từng mắc COVID-19 nặng, sau khi khỏi bệnh phụ huynh cần theo dõi kỹ sức khỏe của trẻ, đặc biệt cần được tái khám theo khuyến nghị của bác sĩ điều trị. Có tỉ lệ hiếm trẻ mắc COVID-19 nhẹ, không cần điều trị nhưng bị hậu COVID-19 lại rất nặng, có thể dẫn đến tử vong. “Mặc dù tỉ lệ này rất hiếm nhưng có xảy ra. Hậu COVID-19 đôi lúc không tương ứng với độ nặng lúc bệnh” - BS Hải nói.

Các triệu chứng hậu COVID-19 ở trẻ từ 13 tuổi trở lên

Theo BS Tiến, các nghiên cứu cũng cho thấy trẻ từ 13 tuổi trở lên dễ mắc các triệu chứng hậu COVID-19 hơn, đặc biệt là các trẻ được điều trị hồi sức, thở máy trước đó do phổi chưa phục hồi hoàn toàn.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy virus có thể tấn công lên não, hệ thống nội mạc mạch máu não, gây ra tình trạng tăng đông, huyết khối dẫn tới giảm tưới máu cho các vùng vỏ não phụ trách trí nhớ, hành vi, chữ viết… dẫn đến rối loạn và tác động sâu đến trẻ.

Sau nhiễm COVID-19, một số trẻ có biểu hiện phản ứng viêm mạnh. Chính vì vậy, nhiều trẻ không có triệu chứng trong lúc bị bệnh nhưng sau 2-6 tuần lại bị sốt cao, tiêu chảy, đau bụng, đỏ da, lưỡi đỏ; các ngón tay chân sưng nhẹ, hồng ban, tim đập nhanh, mạch vành có thể giãn, còn gọi là hội chứng viêm đa hệ thống. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm