Bữa cơm 10 nghìn đồng: Bộ Y tế thừa nhận không đảm bảo chất lượng

Bữa cơm 10 nghìn đồng: Bộ Y tế thừa nhận không đảm bảo chất lượng ảnh 1
Công nhân Thái Bình bị ngộ độc nhập viện cấp cứu

Bữa cơm 10 nghìn đồng: Bớt đầu, bớt đuôi

Chị Nguyễn Thị Giang đang làm công nhân cho một công ty ở thành phố Thái Bình chia sẻ, hàng ngày công ty của chị có gần 1000 công nhân chia làm 4 phân xưởng. Mỗi khi đến giờ ăn trưa mọi người đều không muốn ăn vì phải ăn dưới nhà mái tôn nóng nực. 

Tuy nhiên, bữa trưa của công nhân chẳng có gì ăn mới là điều đáng bàn. Cơm khô như gỗ cộng thêm rau, đậu và thịt mỡ. Mỗi suất cơm công nhân của công ty chị Giang có giá 9000 đồng. Chị Giang cho biết 9000 đồng là trên giấy tờ. Thực tế, có khi còn chẳng được như thế.

Những công nhân như chị Giang mùa nắng nóng không thể nuốt nổi cơm. Ngày trước bảo vệ công ty không cho mang đồ ăn vào công ty. Ai có bầu hay muốn tăng thêm dinh dưỡng chỉ dám nhét quả trứng vào túi áo hoặc một ít thịt làm ruốc.
Sang năm nay, chị Giang cho biết bảo vệ cho công nhân mang cơm của mình vào nhà bếp nên nhiều người có thể mang thêm đồ ăn vào để tăng thêm dinh dưỡng cho bữa cơm của mình.

Còn chị Nguyễn Thu Hương, công nhân may tại khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, TP.Thái Bình cho biết, bữa cơm công nhân ở xưởng của chị có giá 11 nghìn đồng/bữa song trên thực tế cũng không đủ 11 nghìn.

Nhiều hôm trời nóng nắng, công nhân mệt không ăn được họ dồn lại để đến ngày hôm sau. Những bữa cơm đậu chua chua hay thịt có mùi khó chịu họ phải gặp thường xuyên, mọi người chỉ phòng ngộ độc, đau bụng bằng cách không ăn hoặc mua thêm chút đồ ăn từ bên ngoài như cà muối, cá kho vào ăn cùng.

Gần đây nhất vào ngày 1/6/2014, khoảng 170 công nhân Công ty may mặc Nienshing, khu công nghiệp Phúc Khánh (TP Thái Bình) đã phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm hộp mua từ cơ sở Dũng Hợp, có địa chỉ tại TP Thái Bình.
Các công nhân nhập viện cho biết: Sau khi ăn cơm hộp tại công ty với giá 10 nghìn đồng/suất gồm trứng, chả thịt lợn, cải bắp xào và canh cải nấu thì nhiều công nhân có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi nên đã được đưa đến các cơ sở y tế trên địa bàn cấp cứu. Hôm đó là chủ nhật, nhà bếp không nấu cơm cho công nhân và số công nhân đi làm thêm cũng ít nên số lượng người bị ngộ độc cũng ít hơn.

Mỗi suất cơm mua từ quán có giá 10 nghìn đồng trong khi thịt lợn trên địa bàn tỉnh Thái Bình có giá 8 – 9 nghìn đồng/lạng. Chính điều này khiến nhiều công nhân không dám ăn cơm. Ăn vào sôi bụng hay đau bụng họ thường tự mua thuốc uống, không đến bệnh viện. 

Chỉ đến ngày 2/6, nhiều công nhân đau bụng xin nghỉ việc, một vài công nhân vào cấp cứu tại bệnh viện tư nhân Lâm Hoa. Lúc này sự việc mới được chi cục An toàn thực phẩm Thái Bình ghi nhận và báo cáo.

Xiết chặt quản lý từ khâu nguồn cung

Ông Nguyễn Hùng Long – Cục phó Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, so với năm ngoái, số vụ ngộ độc thực phẩm ở bếp ăn tập thể giảm 12 vụ. Để giảm về con số đó, ông Long cho biết năm ngoái Cục An toàn thực phẩm đã tổ chức tháng hành động bữa ăn tập thể nên có giảm được chút. 

Trong 1, 2 năm trở lại đây các vụ ngộ độc thực phẩm không địa phương nào giấu được. Dù 2,3 người, Bộ Y tế cũng nắm được. Thống kê vụ ngộ độc khá đầy đủ, địa phương khó giấu diếm được các cơ quan truyền thông.

So với năm ngoái, số người bị ngộ có tăng, số người đi viện giảm. Để xảy ra điều đó, ông Long cho biết có những vụ ngộ độc xảy ra cùng vụ nhưng nhiều người.
“Đối với các vụ ngộ độc lớn, chúng tôi vận động địa phương tham gia xử lý, chúng tôi yêu cầu các địa phương tuyên truyền mạnh mẽ về an toàn thực phẩm, tăng cường quản lý nguồn cung cho bữa ăn tập thể, đặc biệt là quản lý nguồn cung cấp thực phẩm.
Cục đã tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm và đưa ra thông tin đại chúng và chúng tôi đưa ra văn bản phối hợp với ban quản lý công nghiệp, liên đoàn lao động để đảm bỏ an toàn thực phẩm để nắm được tình hình, tuyên truyền về an toàn thực phẩm” -  ông Long cho biết.
Ngoài ra, Bộ Y tế tổ chức các hội thảo chuyên đề bếp ăn tập thể, thành lập đội tự quản do công đoàn phụ trách, kiểm soát bữa ăn tập thể, cụ thể bao nhiêu kg thịt, rau và công khai như thế nào.

Ông Nguyễn Thanh Phong – Cục phó Cục An toàn Thực Phẩm cho biết để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể dành cho công nhân xảy ra rải rác ở khắp cả nước một phần do khẩu phần ăn của công nhân thấp, người làm bếp lại kinh doanh bớt xén nên để đảm bảo đủ khẩu phần thì lượng thực phẩm nhập về không đảm bảo chất lượng.

Trước con số vài nghìn đồng/bữa ăn cho công nhân ông Phong chia sẻ: “Số tiền này quá thấp, khó có thể mua bán được gì để đảm bảo chất lượng tốt”.

Theo Khánh Ngọc/Infonet

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm