Thông tin về 60 triệu liều vaccine COVID-19 được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tại cuộc họp giao ban trực tuyến phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra sáng 19-2.
Báo cáo về tình hình dịch bệnh hiện nay, TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết đến nay các ổ dịch lớn như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh cơ bản đã được kiểm soát.
Việt Nam đã ghi nhận bốn biến chủng COVID-19
Các địa phương có dịch khác như Hải Phòng, Hòa Bình, Điện Biên, Gia Lai đã 7-20 ngày qua không có thêm ca mắc mới. Tình hình dịch còn diễn biến phức tạp nhất ở Hải Dương, những ngày tới khả năng ổ dịch này tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới.
Những ngày qua thế giới tiếp tục ghi nhận các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Đến nay, hơn 90 quốc gia đã ghi nhận biến chủng mới của Anh, hơn 40 nước ghi nhận biến chủng từ Nam Phi. Trong đó, bước đầu đã có bằng chứng về đột biến (E484K) có liên quan đến việc tăng khả năng lây truyền và giảm đáp ứng miễn dịch của người mắc.
Đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu kiểm tra thực địa tại một số doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Phúc Điền và Tân Trường (Hải Dương). Ảnh: TRUNG SƠN
TS Tấn cho biết đến nay Việt Nam đã ghi nhận bốn biến chủng gồm: D614G từ châu Âu (dịch tại Đà Nẵng); B.1.1.7 từ Anh đang gây dịch tại Hải Dương; B.1.351 từ Nam Phi trên bệnh nhân người Nam Phi (BN1422), nhập cảnh sân bay Nội Bài từ Nam Phi ngày 19-12-2020; A.23.1 từ Rwanda, châu Phi tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Biến chủng virus tại Hải Dương là biến thể Anh B.1.1.7 có khả năng lây lan nhanh hơn virrus gây dịch tại Đà Nẵng (biến thể châu Âu D614G).
So sánh đợt dịch này với đợt dịch bùng phát tại Đà Nẵng hồi tháng 7, ông Đặng Quang Tấn cho hay Đà Nẵng mất 36 ngày để có thể khoanh vùng và dập được dịch.
Số trường hợp F1 cần cách ly của Hải Dương cũng vượt xa Đà Nẵng, ngay từ đầu đã phải cách ly 2.340 công nhân.
Đợt dịch lần này phức tạp vì chủng virus có tốc độ lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng cũ, dẫn đến trong thời gian ngắn phát hiện rất nhiều ca nhiễm. Dịch bùng phát trong khu công nghiệp, lại trước và trong dịp tết Nguyên đán khiến độ phức tạp càng cao.
Đợt dịch trước, ổ dịch Đà Nẵng ghi nhận hơn 300 ca nhiễm trong cả đợt dịch, còn dịch ở Hải Dương từ ngày 28-1 đến nay đã hơn 500 ca nhiễm. Số ca mắc trung bình tính trong ngày của Hải Dương khoảng 20 ca/ngày, cao hơn đợt dịch Đà Nẵng.
Yên tâm về năng lực xét nghiệm tại TP.HCM và Hải Dương
Hiện tại chúng tôi yên tâm về năng lực xét nghiệm tại TP.HCM, Hải Dương, song cần lưu ý đến hệ thống điều phối và nhận mẫu xét nghiệm trong 24 giờ để đối phó với biến chủng mới có tốc độ lây nhanh. Phải xét nghiệm và truy vết nhanh chóng thì chúng ta mới đối phó được biến chủng mới này.
Thứ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN TRƯỜNG SƠN
Cố gắng có vaccine sớm nhất cho dân
Trước tốc độ lây lan nhanh và diễn biến phức tạp của đợt dịch bùng phát tại Hải Dương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá: Trong quý I này phải coi công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm vì cuộc chiến COVID không thể kết thúc trong sáu tháng đầu năm, thậm chí là cả năm 2021.
Ông Long nhấn mạnh: Xét nghiệm là mấu chốt để kiểm soát dịch, do đó người đứng đầu ngành y tế yêu cầu các địa phương chuẩn bị phương án xét nghiệm với số lượng mẫu nhiều hơn, nhanh chóng có kết quả xét nghiệm, đồng thời tăng năng suất xét nghiệm, sử dụng phương châm bốn tại chỗ gồm “phát hiện, chẩn đoán, cách ly và theo dõi”.
“Nếu xét nghiệm chậm, chúng ta chỉ đuổi theo dịch chứ không phải chặn dịch. Trong khi đó, dịch lần này rất nhanh, càng đuổi theo nó chúng ta càng đuối” - bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Quan điểm phòng, chống dịch của Bộ Y tế là khoanh vùng rộng, lấy mẫu diện rộng, xét nghiệm nhanh, phong tỏa hẹp để tránh tác động tới người dân.
Ông Long cũng lưu ý các địa phương khác không được chủ quan bởi dịch có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào. Mỗi địa phương cần chuẩn bị tất cả cơ sở trước để thực hiện cách ly số lượng lớn, đảm bảo cung cấp đủ cơ sở, nhân lực y tế, vật tư, thiết bị với mục tiêu cách ly triệt để các F1, đưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng nhằm ngăn chặn dịch.
Qua đây, bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần tiến hành quản lý từng hộ dân, nắm được người đi/người đến, thành lập tổ tự quản, hướng dẫn cộng đồng, giao phụ trách từng hộ dân; chuẩn bị xét nghiệm và kịch bản cho việc xét nghiệm nhiều hơn, đảm bảo nâng khả năng xét nghiệm lên trong thời gian ngắn; lập phòng xét nghiệm và lấy mẫu xét nghiệm rộng, phong tỏa nhanh.
Tại đầu cầu Hải Dương, nhấn mạnh lại ý kiến của Bộ trưởng Long, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định xét nghiệm là nhiệm vụ quan trọng ở vùng có dịch.
Liên quan đến vấn đề vaccine, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong năm 2021, Việt Nam đã đàm phán được 60 triệu liều vaccine COVID-19 trong tổng nhu cầu 150 triệu liều (70% dân số).
Bộ Y tế đã đàm phán với chương trình Covax, họ cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều trong năm 2021, chủ yếu dành cho sáu tháng cuối năm. Ngoài ra, Công ty AstraZeneca cam kết cung cấp 30 triệu liều.
“Bộ đang tích cực đàm phán với các công ty khác như Pfizer, Moderna, với Nga và một số nước khác để có thêm vaccine” - bộ trưởng nói.•
Ưu tiên vaccine cho vùng có dịch và nguy cơ cao
Về việc sử dụng vaccine, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết sẽ tuân thủ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các quy định pháp luật có liên quan đến phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó ưu tiên khu vực có dịch và nguy cơ cao.
Ngoài ra, bộ thực hiện cơ chế cấp phép cấp tốc, trong năm ngày phải thực hiện tất cả quy trình về rà soát hồ sơ, dữ liệu về lâm sàng, chất lượng vaccine để cấp phép sớm.
“Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để sớm có vaccine cho người dân” - ông Long nói.