22 NGƯỜI BỊ NHIỄM TRÙNG KHI MỔ MẮT:

Chưa thấy đường vẫn cho xuất viện?

Từ ngày 17 đến 28-5, có 22 bệnh nhân đục thủy tinh thể mổ mắt bằng phương pháp phaco tại BV Mắt TP.HCM bị nhiễm trùng, không thấy ánh sáng. Nguyên nhân là chất chỉ thị màu trypan blue (dùng để nhuộm bao trước thủy tinh thể trong phẫu thuật phaco) có chứa pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh kháng thuốc). Chất chỉ thị màu trypan blue do hãng Khosla (Ấn Độ) sản xuất và Công ty TNHH Thiết bị kỹ thuật y khoa Việt Mỹ nhập về cung cấp cho bệnh viện.

“Tập trung cứu chữa”

TS-BS Trần Thị Phương Thu, Giám đốc BV Mắt, cho biết trong ngày 7-6 đã cho xuất viện năm người. Đến nay đã có 12 người xuất viện, 10 người còn lại vẫn đang điều trị. “Bệnh viện sẽ thực hiện trách nhiệm điều trị đến cùng dù sự cố ngoài mong muốn. Quan điểm của bệnh viện là tập trung vào cứu chữa trước, chờ kết luận của các cơ quan chức năng chứ không đổ lỗi cho nhau. Tất cả bệnh nhân đều được điều trị miễn phí và trả lại viện phí mổ mắt đã đóng” - TS Thu nói.

Còn bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện chưa thể nói về trách nhiệm của sự cố này mà phải chờ chỉ đạo của Bộ Y tế. Riêng Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo bệnh viện phải tập trung cứu chữa cho bệnh nhân dù phải mua thuốc đắt tiền hay phải ra nước ngoài mua…

Qua điện thoại, ông Thái Bình Long, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị kỹ thuật y khoa Việt Mỹ, đơn vị cung cấp chất chỉ thị màu cho BV Mắt, cho biết đã lấy mẫu gửi về cho nhà sản xuất từ ngày 5-6 và đang chờ kết quả kiểm nghiệm cũng như trả lời từ nhà sản xuất. “Mọi vấn đề cứ hỏi BV Mắt” - ông Long nói.

Chưa thấy đường vẫn cho xuất viện? ảnh 1

Một bệnh nhân bị nhiễm trùng mắt đang được bác sĩ kiểm tra. Ảnh: DUY TÍNH

Mổ sáu lần vẫn không xong

Trong khi đó, hàng chục thân nhân và bệnh nhân đứng ngồi không yên do tiền bạc mang theo đã hết mà mắt thì vẫn chưa thấy ánh sáng...

Chị Nguyễn Thị Ri, con bà Trương Ngọc Sáng ở Vĩnh Long, kể: “Mẹ tôi mổ con mắt trái vào ngày 25-5, đến sáng hôm sau mở băng để vệ sinh thì thấy ánh sáng. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, mắt xốn và không thấy đường... Từ hôm đó đến nay, mẹ tôi đã trải qua sáu lần phẫu thuật nhưng không biết kết quả sẽ ra sao”.

Ông Vũ Đình Việt, Hiệu trưởng Trường THCS Trương Quang Trọng (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), cho biết ngày 25-5, ông vào BV Mắt để mổ vì mắt chỉ nhìn thấy 50%. Sau khi xuất viện, vừa đặt chân đến Quảng Ngãi thì phải quay lại bệnh viện vì mắt xốn không chịu nổi và cũng không thấy được gì. “Chúng tôi chỉ yêu cầu BV Mắt điều trị sáng mắt lại, nếu không thì chuyển cơ sở khác…” - ông Việt nói.

Còn ông Nguyễn Trọng Tài ở Dăk Lăk thì cho hay trước khi mổ mắt ông còn đọc được báo, tuy nhiên mổ xong thì ngày 19-5 mắt ông bị mù luôn. “Chúng tôi chỉ yêu cầu làm sao cho mắt sáng lại và bồi thường tổn hại cho chúng tôi…” - con trai ông Tài bức bối. “Mắt ba tôi chưa thấy đường nhưng bệnh viện lại cho xuất viện, họ bảo là đã ổn định. Không biết về rồi lỡ có chuyện gì có còn đủ sức xuống nữa không”.

Với ông Huỳnh Công Pha ở Long An thì mù một mắt là tai họa thật sự vì ông vốn bị mất một con mắt trong chiến tranh, giờ mong mổ con mắt còn lại để nhìn rõ mặt con cháu nhưng đến giờ ăn cơm ông cũng không thể tự làm được…

Chưa thấy đường vẫn cho xuất viện? ảnh 2

Nhiều bệnh nhân mệt mỏi vì con mắt nhiễm trùng và nằm bệnh viện quá lâu. Ảnh: DUY TÍNH

Níu áo bệnh viện

Theo TS Nguyễn Văn Tiến, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, nếu đúng chất chỉ thị màu trypan blue là thủ phạm gây nhiễm trùng sau mổ thì bệnh viện trực tiếp phẫu thuật - ở đây là BV Mắt TP.HCM phải chịu trách nhiệm chính và đầu tiên nếu các bệnh nhân kiện đòi bồi thường.

Theo ông Tiến, bệnh nhân chỉ là những người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh do bệnh viện cung cấp và họ chỉ có thể biết đến bác sĩ và bệnh viện, không thể biết được những loại thuốc nào được sử dụng, công ty nào đã sản xuất ra thuốc đó và tác dụng của nó ra sao. Do vậy, người bệnh chỉ biết níu áo bệnh viện mà đòi. Bệnh viện phải bồi thường rồi khởi kiện công ty sản xuất thuốc bồi thường lại cho mình vì đã cung cấp thuốc kém chất lượng.

Với hãng dược Khosla, từ trước đến nay các bệnh viện vẫn sử dụng chất này trong mổ mắt mà không gặp sự cố nào và hãng dược cũng không có khuyến cáo gì. Hậu quả với 22 bệnh nhân trên là do chất lượng của lô hàng. Như vậy, sau khi bệnh viện đã bồi thường cho bệnh nhân, bệnh viện có quyền kiện hãng dược Khosla để đòi bồi thường lại.

Kiện ở đâu?

Vì hãng dược Khosla có văn phòng đại diện tại Việt Nam nên theo Bộ luật Tố tụng dân sự, nguyên đơn có quyền khởi kiện hãng dược tại tòa án Việt Nam, tòa sẽ áp dụng pháp luật của Việt Nam để xét xử. Nếu phát sinh trách nhiệm bồi thường, cơ quan thi hành án sẽ kê biên tài sản của hãng dược Khosla tại Việt Nam để thi hành. Trường hợp tài sản của hãng dược tại Việt Nam không đủ để thi hành án thì sẽ thực hiện việc thi hành án qua con đường ngoại giao theo nguyên tắc có đi có lại, bởi Việt Nam và Ấn Độ chưa có hiệp định tương trợ tư pháp.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên Đại học Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm