Uống bột ngọc trai sẽ thành… mỹ nhân?

 

Phương pháp làm đẹp đắt đỏ được cho là xuất phát từ cung cấm Trung Hoa xưa, từng giúp Võ Tắc Thiên, Dương Quý Phi… có được nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành”, liệu có đáng tin?

Ngọc trai còn có tên gọi khác là trân châu, bạng châu… là hạt ngọc trong nhiều loại trai có tên khoa học khác nhau như: Pteria Martensii (Dunker), Hyriopsis cumingii (Lea), Cristaria plicata (Leach), Anodonta wodiana (Lea)... Ảnh: Trung Mỹ
Y chứng về công dụng ngọc trai
Trai là một động vật thân mềm sống ở dưới nước, thân có bọc hai vỏ cứng. Nếu một dị vật lọt vào thân con trai, dị vật đó sẽ kích thích lớp niêm mạc ngoài tiết ra chất bao bọc dị vật bằng những lớp cacbonat canxi (CaCO3) dưới dạng chất khoáng aragonit hoặc canxit, dính với nhau bởi một hợp chất hữu cơ giống chất sừng, gọi là conchiolin. Sự kết hợp của CaCO3 và conchiolin gọi là xà cừ, lâu ngày thành ngọc trai. Thông thường, những viên ngọc đẹp, có hình dáng, màu sắc hoàn hảo được sử dụng làm trang sức. Còn những viên khiếm khuyết (màu trắng) được nghiền nhỏ thành bột mịn làm nguyên liệu cho các vị thuốc hoặc mỹ phẩm.

Về thành phần hoá học, sách Từ điển động vật và khoáng vật làm thuốc ở Việt Nam của GS.TS Võ Văn Chi ghi nhận ngọc trai chứa 91,72% CaCO3, 5,94% chất hữu cơ và 2,23% nước. Theo y học cổ truyền, ngọc trai có tác dụng trấn kinh an thần, thanh can trừ ế (mộng mắt), thu liễm sinh cơ (lên da non), giải nhiệt, trị chứng ra máu, đờm hoả, đau mắt, điếc tai, loạn nhịp tim, kinh phong co giật, đinh nhọt lâu ngày không lành... Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại ghi nhận ngọc trai tác dụng đối với cơ trơn (ức chế ruột thỏ); làm lành vết thương thực nghiệm ở lưng tai thỏ trong 12 ngày, giúp da tổn thương tái sinh nhanh hơn...

Ứng dụng lâm sàng cũng ghi nhận công dụng ngọc trai hỗ trợ trị trẻ em kinh phong, sốt co giật, người lớn hồi hộp mất ngủ; trị bệnh đau mắt (mắt đỏ đau, mắt có mộng thịt); trị viêm lở miệng tái phát nhiều lần... Liều dùng an toàn là 0,3g – 1g, dạng bột cho vào thuốc hoàn, tán; dùng ngoài lượng vừa đủ.

Để có thể sử dụng trong y tế, thực phẩm… CaCO3 trong ngọc trai phải có độ tinh khiết rất cao. Ảnh: CTV
Tuỳ tiện uống dễ chuốc bệnh

Để có bột ngọc trai tốt, phải chọn loại ngọc tinh khiết, khử trùng bằng nước sôi, nghiền thành bột mịn, sau đó bảo quản trong lọ thuỷ tinh hoặc sứ. Nếu có nhu cầu làm đẹp với bột ngọc trai, chỉ nên đắp ngoài nhằm hỗ trợ loại bỏ tế bào chết, giúp da sáng mịn… vì CaCO3 còn được biết đến là chất làm trắng, chất tẩy rửa… Nhiều nghiên cứu ghi nhận CaCO3 có vai trò bổ sung khẩu phần canxi, chất khử chua và chất gắn photphat; sử dụng trong thuốc đánh răng, làm bột bó; phấn rôm; phụ trị các bệnh loãng xương, giảm triệu chứng ợ nóng; giảm canxi huyết và tăng photpho huyết của những người suy thận…

Tuy nhiên, để được sử dụng trong y tế, thực phẩm, CaCO3 phải có độ tinh khiết rất cao, đảm bảo tiêu chuẩn về độ tinh khiết (thành phần kim loại nặng không quá mức quy định) và hàm lượng chất này phù hợp với nhóm đối tượng sử dụng. Cho đến nay các y chứng chính thống của cả đông y lẫn tây y đều chưa ghi nhận tác dụng uống trong của bột ngọc trai giúp cải thiện khí sắc, trạng thái dinh dưỡng của da, ngăn ngừa lão hoá, cũng như cải thiện sức khoẻ tình dục như các lời đồn…

Trái lại, với thành phần chủ yếu là CaCO3, nếu tùy tiện sử dụng sẽ rất dễ bị quá liều và dùng thường xuyên lâu dài có thể dẫn đến nguy cơ thừa canxi, gây các biến chứng như ăn không ngon miệng, táo bón, buồn nôn, mệt mỏi, đau cơ, đau xương, tiểu nhiều làm mất nước... Nếu quá thừa, lượng canxi không hấp thụ hết có thể tích tụ gây vôi hoá thận, sỏi mật, giảm chức năng thận, giảm hấp thu các chất khoáng khác như sắt, kẽm, magiê, photpho… tăng canxi trong máu.

Chưa kể, nếu mua nhầm bột ngọc trai giả, sử dụng thành phần CaCO3 không đáp ứng mức độ tinh khiết để dùng trong y tế, thực phẩm… người uống còn có thể gặp nhiều nguy hiểm khác.

Theo TS.DS Lê Thị Hồng Anh (SGTT.VN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm