Kỳ tích người mẹ 2 lần bước qua 'cửa tử' để giữ được con

Ngày 22-7, sắp được xuất viện về nhà với con, chị NTĐ (33 tuổi, ngụ tại Phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM) luôn nở nụ cười trên môi. Trước đó, chị Đ. xuất hiện những triệu chứng như khó thở, thường xuyên ngất xỉu nhưng gia đình nghĩ là do các triệu chứng bình thường của thai phụ.

Sau đó, trong lần chị Đ. đi khám thai định kỳ được các bác sĩ (BS) nghi ngờ mắc bệnh lý động mạch chủ cấp tính nên đề nghị chuyển BV Đại học Y dược TP.HCM (ĐHYD). Tại đây, chị được chẩn đoán bị bóc tách động mạch chủ ngực, phình gốc động mạch chủ trong khi thai 33 tuần 5 ngày chậm tăng trưởng.

Chị Đ. vui mừng vượt qua hai ca phẫu thuật. Ảnh: NP

Các BS nhận định đây là một ca bệnh khó, cần phối hợp liên chuyên khoa để điều trị cho người bệnh. Vấn đề nan giải được đặt ra là mổ tim trước hay mổ lấy thai trước để cứu được cả mẹ lẫn con vì phương án nào cũng đối diện nhiều rủi ro. Sau khi tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa, các BS quyết định mổ lấy thai ra trước sau đó mới phẫu thuật động mạch chủ cho người mẹ.

PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Định – Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch, nhận định: “Nói nôm na là bệnh nhân bị rách mạch máu ở động mạch chủ khiến cho máu từ tim không thể đi nuôi các bộ phận cơ thể khác, trong đó có tử cung. Vì thế bệnh nhân thường xuyên bị mệt mỏi, ngất xỉu và khiến cho thai nhi suy dinh dưỡng, chậm tăng trưởng”.

Cũng theo PGS Định, đây là một cấp cứu ngoại khoa, nếu không xử trí kịp chỗ bóc tách sẽ bị vỡ vào khoang màng tim, gây chảy máu, mất máu, gây chèn ép tim làm tim không co bóp được nữa và người bệnh sẽ tử vong. Bệnh lý còn có thể đe dọa tính mạng của thai nhi.

“Ngược lại, khi mổ lấy thai cũng có những nguy hiểm vì trong quá trình mổ sẽ gây một tác động lớn lên người mẹ, huyết áp có thể thay đổi lên xuống, động mạch chủ có thể vỡ ra ngay trong lúc mổ. Vì vậy chúng tôi đã chuẩn bị các ê-kíp sẵn sàng, nếu trong trường hợp người mẹ bị vỡ mạch máu trong lúc lấy em bé thì sẽ tiến hành ngay việc phẫu thuật cho người mẹ”, PGS Định cho biết thêm.

PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Định chúc mừng sản phụ Đ. được xuất viện. Ảnh: NP

Ngày 29-6, ê-kíp khoa Phụ sản thực hiện mổ lấy thai cho chị Đ. Song song đó, ê-kíp mổ tim cũng túc trực bên cạnh để sẵn sàng thực hiện phẫu thuật tim bất cứ lúc nào. May mắn quá trình mổ lấy thai diễn ra thuận lợi, bé gái khỏe mạnh nặng 1,8kg ra đời, được chuyển đến nằm phòng dưỡng nhi.

Sau ca mổ lấy thai, sản phụ được nghỉ ngơi một ngày để hồi sức chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật tiếp theo. Ngày 1-7, chị Đ. bước vào cuộc đại phẫu thực hiện thay gốc động mạch chủ và ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi. Đến ngày 9-7, em bé đã khỏe mạnh và được xuất viện trước.

Bệnh nhân Đ. bị giãn động mạch chủ do hội chứng Marfan (một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến mô liên kết. Hội chứng Marfan thường ảnh hưởng nhất đến tim, mắt, mạch máu và xương). Việc có thai là yếu tố thúc đẩy, khởi phát gây ra biến chứng rách mạch máu tại động mạch chủ. Do đó, các thai phụ cần hết sức cảnh giác với các triệu chứng đau ngực hoặc đau bụng dữ dội, đột ngột. Cần thăm khám định kỳ giúp chẩn đoán sớm các yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. 

PGS-BS Nguyễn Hoàng Định

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.