Nhiều bệnh nhân do pháo đến bệnh viện cho... kịp Tết

Mặc dù Việt Nam thông báo cấm đốt pháo từ năm 1995 nhưng cứ những ngày Tết gần kề, các BV vẫn liên tục tiếp nhận bệnh nhân nhập viện do chơi pháo.

Theo thông tin từ BV Trung ương Quân đội 108, nơi đây vừa tiếp nhận bệnh nhân Đ.V.T (25 tuổi, trú tại Hải Phòng) vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch vì tai nạn do pháo nổ tự chế.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng: cụt bàn tay 2 bên, gẫy hở xương hàm dưới, chấn thương ngực kín, dập nhu mô thuỳ trên hai phổi, bỏng rộng vùng ngực, nhiều vết thương nhỏ ở 2 chân.

Theo người nhà, ngày 29-1, bệnh nhân đang tự chế pháo nổ tại nhà thì phát nổ, sau tiếng nổ lớn, bệnh nhân bị cụt 2 bàn tay, vết thương vùng hàm mặt, chảy nhiều máu, được sơ cứu và chuyển đến khoa Cấp cứu, BV TƯ Quân đội 108.

Nạn nhân đã được mổ cấp cứu cắt cụt để ngỏ 1/3 giữa cẳng tay phải, cắt lọc cơ dập nát cẳng tay trái, kết xương hàm dưới, sau mổ phải điều trị tiếp tại khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện.

Hiện bệnh nhân giữ được tính mạng nhưng cơ thể đối diện với di chứng về sau là không thể tránh khỏi.

Trước đó, tại Quảng Bình, BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cũng tiếp nhận bệnh nhân L.V.T (39 tuổi, ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) được người nhà đưa vào cấp cứu trong tình trạng tổn thương mắt phải, chảy máu.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng của bệnh nhân không gì khác chính là do pháo. Tại BV, theo nhận định của các bác sĩ, mắt phải của bệnh nhân bị vỡ nhãn cầu, đường vỡ chia nhãn cầu làm hai kéo dài từ giác mạc đến thị thần kinh, phòi toàn bộ tổ chức nội nhãn.

Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật múc nội nhãn do không bảo toàn được mắt.

Theo các bác sĩ, tai nạn do pháo nổ rất nguy hiểm bởi ngoài sức công phá gây các vết thương nó còn gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng lớn. Hơn nữa, trong pháo có những hóa chất (như phốt pho, lưu huỳnh) và người đốt thường phải tiếp xúc rất gần nên dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay... mà muốn khắc phục rất khó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm