Sao không công khai DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn?

Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc thắc mắc tại sao không công khai tên doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm chứa chất cấm hoặc sử dụng chất bảo quản vượt mức cho phép và các siêu thị bán thực phẩm nói trên.

Nhiều loại cá viên chứa chất bảo quản kali sorbate gấp 11 lần mức quy định được bán trong vài siêu thị. Ảnh: TRẦN NGỌC

BS Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó Viện trưởng VVSYTCC TP, giải thích: Tại Điều 3 và Điều 5 Thông tư 14/2011/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn về lấy mẫu thực phẩm phục vụ thanh tra, kiểm tra chất lượng ATVSTP nêu rõ: “Người lấy mẫu phải là thành viên của đoàn thanh tra, kiểm tra. Phải trực tiếp lấy mẫu tại cơ sở hoặc theo chỉ định của đoàn thanh tra”. 

Trong khi đó, VVSYTCC TP không có chức năng thanh tra, kiểm tra các DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Viện lấy mẫu thực phẩm xét nghiệm nhằm mục đích đánh giá chất lượng của sản phẩm bày bán ngoài thị trường. Do vậy mẫu thực phẩm do VVSYTCC TP.HCM lấy và xét nghiệm không đủ cơ sở pháp lý để xử phạt DN sai phạm.

Tuy nhiên, dựa vào kết quả khảo sát của viện, cơ quan quản lý sẽ tổ chức kiểm tra DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm đó. Cụ thể, trong trường hợp này cơ quan quản lý là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM (Sở Y tế TP) và Sở Công Thương TP (liên quan một số siêu thị do ngành công thương quản lý). Khi phát hiện DN sai phạm, các cơ quan quản lý này mới đủ thẩm quyền công bố tên DN và siêu thị sai phạm, cũng như xử lý theo pháp luật.

Được biết kết quả xét nghiệm các thực phẩm của VVSYTCC TP đã được chuyển cho hai cơ quan quản lý này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm