Cuộc thi Sức sống mới từ phế thải dành cho các em học sinh tiểu học và THCS do Sở TN&MT TP.HCM và Quỹ Bảo vệ môi trường TP.HCM triển khai vừa kết thúc. Ở vòng sơ tuyển, có gần 1.200 sản phẩm từ các trường quận/huyện dự thi. Ban tổ chức đã chọn 384 bài thi xuất sắc tham dự vòng chung tuyển.
Từ những ý tưởng đơn giản…
Tại phòng trưng bày ở Cung Văn hóa lao động (TP.HCM), người dân TP đã có dịp thưởng thức những tác phẩm do chính bàn tay của các em làm ra. Với bài thi Máy chiếu phim chạy bằng cơ, em Nguyễn Trương Trọng Hiếu, lớp 4/4 Trường Tiểu học Trưng Trắc, quận 11, mô tả sản phẩm này được làm từ nguyên liệu thùng giấy, carton, mica… kết hợp với các khí cụ điện như công tắc, đèn. Để vận hành, máy sử dụng nguồn điện để tạo ánh sáng, chuyển động hình ảnh bằng cách xoay nút theo chiều kim đồng hồ. Về tính ứng dụng, Hiếu cho biết máy chiếu giúp hình ảnh được minh họa một cách sinh động, làm tăng sự hứng thú trong giờ học. Về mặt ý nghĩa, em cho rằng sản phẩm góp phần tuyên truyền việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Điều này được thực hiện bằng việc vận dụng nguyên liệu tái chế, sử dụng có hiệu quả phục vụ công tác giảng dạy.
Góc đọc sách trưng bày tại buổi triển lãm với bàn ghế, quầy kệ được làm bằng gỗ. Ảnh: NGỌC CHÂU
Còn các em học sinh lớp 3/5 Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân lại tham gia cuộc thi với mô hình Hệ thống lọc nước biển thành nước sinh hoạt cho trường. Với vườn ươm nhiều giống cây như đu đủ, me, rau tần… tác giả lại kêu gọi “Các bạn thấy vườn ươm di động của chúng mình có ích không? Chúng mình nghĩ nếu mỗi bạn có một vườn ươm di động này thì chẳng bao lâu chúng ta sẽ trồng được rất nhiều cây xanh và giúp môi trường sống của chúng ta vừa xanh vừa sạch đấy, phải không các bạn?”.
… Đến người lớn cũng phải trầm trồ
Ngoài những tác phẩm trên, phòng trưng bày còn giới thiệu nhiều bài dự thi độc đáo khác. Chẳng hạn như mô hình máy bay, tàu thủy, hệ thống cầu vượt, giao thông công cộng, bộ bàn ghế, tủ sách, đèn chùm… làm bằng các vật liệu thân thiện môi trường như gỗ, giấy… với màu sắc phong phú. Mỗi tác phẩm mang màu sắc rất riêng, phản ánh đậm mối quan tâm, suy nghĩ, mong ước của các em về vấn đề môi trường. Anh Minh Quý (Bình Thạnh) chia sẻ: “Tranh thủ ngày nghỉ nên tôi đưa các cháu nhà tôi vào đây tham dự chương trình rồi đi coi mấy cái mô hình trưng bày, công nhận tụi nhỏ có đầu óc rất phong phú đến người lớn mình còn bất ngờ, mà lại khéo tay nữa chứ”. Chị Bảo Anh (quận 7) hào hứng nói: “Rất sáng tạo, không ngờ mấy cái vật nho nhỏ mình bỏ đi mà các em cũng tận dụng làm thành tác phẩm được, có nhiều mô hình mình có thể ứng dụng được ở nhà nữa, tôi rất thích cái xích đu to làm bằng chai nhựa đằng kia, người lớn mình ngồi cũng được nữa, để tôi thử làm một cái để ở vườn nhà xem, rất thú vị”.
Cuộc thi Sức sống mới từ phế thải là sân chơi rất bổ ích cho các em học sinh. Qua đó chúng có thể học được cách làm thế nào tái chế vật dụng bỏ đi thành đồ dùng mới. Đây được xem là phương pháp giảng dạy thực tế giúp các bé nâng cao ý thức thông qua những đồ dùng gần gũi với cuộc sống hằng ngày. TP.HCM đang phát triển với tốc độ nhanh, vì vậy những cư dân nhí được xem là nguồn tri thức rất quý báu của chúng ta. Các bài học về ý thức bảo vệ môi trường được hình thành ngay khi còn nhỏ góp phần rất lớn trong việc tạo dựng, gìn giữ TP sạch và xanh.
NGỌC CHÂU
Tại khu The Crescent (Hồ Bán Nguyệt), khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM đã diễn ra chương trình Ngày Trái đất với tên gọi Một ngày cho Việt Nam. Các tình nguyện viên đã triển khai nhiều hoạt động thú vị thiết thực, sôi nổi như nhảy flashmob, kêu gọi 50.000 dấu vân tay cam kết một ngày không xả rác; cuộc thi Ảnh Marathon cho Ngày Trái đất nhằm ghi lại những khoảnh khắc, dấu ấn tình nguyện và truyền tải thông điệp hướng về môi trường. Song song đó là nhiều hoạt động khác như thu gom rác, tuyên truyền bảo vệ môi trường, đổi túi tự hủy sinh học lấy túi nylon từ người dân, gian hàng xanh… |