Sự việc xảy ra chiều tối 2/1, khi đó bé Vi Thị Ơn, 6 tháng tuổi đang nằm ngủ, chị Tuân tuốt cỏ sau nhà, ông bà nội đi làm nương chưa về. Chị cũng không rõ ngọn lửa bắt đầu bùng lên khi nào, chỉ biết đang làm thì nghe tiếng khóc của con, chạy vội vào thì thấy cả chiếc giường đang cháy bùng. Hoảng quá, chị vội gạt chiếc chăn đang cháy lôi con ra, chạy đến trạm y tế.
Sau đó, bé được chuyển xuống Bệnh viện Nhi Nghệ An cấp cứu, rồi chuyển tiếp xuống Viện Bỏng quốc gia (Hà Nội). Bản thân chị Tuân cũng bị bỏng hai bàn tay.
Bé Vi Thị Ơn bị bỏng lửa rất nặng. Ảnh: N.M.
Theo các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng quốc gia, bé Ơn nhập viện trong tình trạng kích thích, vật vã, tổn thương bỏng 50%, nặng nhất ở đùi phải, bỏng vùng miệng họng. Ngoài ra, bé còn bị suy dinh dưỡng, 6 tháng mà chỉ nặng 5 kg.
Hiện bé được truyền dịch, ủ ấm, nuôi dưỡng, thở ôxy..., đồng thời theo dõi bỏng hô hấp, sốc bỏng. Tuy nhiên, tình trạng vẫn rất nặng.
Trước đó chỉ 4 tháng, bố của bé Ơn đã qua đời vì bệnh ung thư. Người mẹ trẻ nghèo ở xã miền núi của huyện Quỳ Châu, Nghệ An vừa gạt nước mắt vĩnh biệt chồng, giờ không biết chạy đâu ra tiền để lo cho con dù bé đã được bảo hiểm chi trả.
Bà Khuyên, bà nội bé Vi Thị Ơn. Ảnh: N.P.
Bà Khuyên, 62 tuổi, bà nội bé Ơn vừa nói vừa khóc: "Số tiền vay nợ để cứu con trai gia đình còn chưa lo đủ thì giờ lại đến lượt đứa cháu duy nhất gặp nạn. Thương cháu lắm, mất cha rồi giờ lại thế này, nếu cháu có làm sao thì gia đình chúng tôi biết sống thế nào".
Nhà nghèo, tiền không có, đưa cháu ra Hà Nội, cả nhà bà vay mượn mãi cũng chỉ được 5 triệu, nộp tạm cho bệnh viện gần 2 triệu. "Còn phải để dành tiền cho cháu, nên số tiền còn lại hai mẹ con tiêu cũng rất dè xẻn. Sáng thì tôi nhịn ăn, chỉ mua chút đồ ăn cho con dâu để có sữa cho con bú. Trưa thì mua suất cơm rẻ nhất 15.000-20.000 đồng, hai mẹ con ăn chung", bà Khuyên cho biết thêm.
Năm nào vào mùa rét, Viện Bỏng cũng tiếp nhận trẻ bị bỏng do sưởi ấm. Nguyên nhân chỉ vì một phút bất cẩn, lơ là của người lớn. Tại một số nơi vì không có điều kiện nhiều gia đình đốt than, củi ngay trong nhà để sưởi ấm mà không lường trước hết nguy cơ với trẻ, bỏng, ngộ độc khí CO2...
Sau những tai nạn thế này, các bác sĩ cảnh báo cha mẹ không nên sưởi ấm cho trẻ bằng cách đốt củi, lá, than… Nên giữ ấm cho trẻ bằng điều hòa hoặc máy sưởi nhiệt. Tuy nhiên, ngay cả với các thiết bị điện này cũng phải đảm bảo an toàn, tránh gây bỏng điện, bỏng nhiệt, không rọi trực tiếp vào trẻ vì da trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh rất mỏng, nhạy cảm.
Trong trường hợp nhất thiết phải đốt than, củi sưởi ấm thì tuyệt đối không được đốt trong phòng kín, tạo không khí thoáng, xa tầm với của trẻ, đặc biệt người lớn phải luôn cảnh giác. Khi con bị bỏng, cha mẹ nên dùng nước mát, sạch, dội nhẹ nhàng, liên tục vào vết thương trong vòng 16-20 phút để giảm độ sâu của bỏng. Sau đó đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
Theo Nam Phương (VNE)