Mới đây, khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp nhận một trường hợp nam thanh niên sống ở Bình Thuận bị rắn chàm quạp cắn. Tình hình bệnh nhân lúc nhập viện rất nguy kịch, bị rối loạn đông máu, kết quả chụp CT cho thấy não bị tổn thương nặng, xuất huyết não nhiều, tiên lượng khó qua khỏi. Người nhà đã đưa nam thanh niên về nhà để lo hậu sự…
Đến BV khi đã muộn
Người nhà cho biết thêm trước đó ba ngày, nam thanh niên bị rắn cắn nhưng không đến BV mà đến nhờ một thầy lang hút nọc rắn và đắp thuốc. Bệnh nhân ngày một đau nhức và rơi vào hôn mê nên gia đình mới đưa lên TP.HCM nhập viện.
Tại BV Chợ Rẫy, bác sĩ (BS) phát hiện nhiều trường hợp người nhà bệnh nhân nhờ thầy lang chữa rắn cắn, khi nguy kịch mới chuyển đến BV cấp cứu. Điển hình như chị T., con gái bà NTL (ngụ huyện Tịnh Biên, An Giang) hiện đang điều trị ở khoa Bệnh nhiệt đới, cho biết khi bà L. moi củi ra nấu cơm thì bị rắn chàm quạp trú trong đống củi cắn. Chị T. cho biết không đưa mẹ đi BV liền vì ở gần nhà có ông thầy đắp thuốc giải rắn rất giỏi, đã từng chữa cho nhiều người rồi và chữa làm phước chứ không lấy tiền.
Tuy nhiên, sau khi đắp lá thì một ngày sau mẹ chị càng đau nhức nên chị đưa mẹ vào BV ở tỉnh và được chuyển lên TP.HCM.
Trường hợp khác là anh NHP (ngụ thị xã Thuận An, Bình Dương) bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn. Do ỷ y là con rắn thường nên anh P. không đi BV, không ngờ sang ngày hôm sau chân sưng phù lên, đi thấy thốn nhức. Anh tìm đến thầy thuốc nổi tiếng rút nọc độc và đắp thuốc trong vùng trước. Hút nọc và đắp thuốc một ngày, tình trạng đau nhức vẫn không cải thiện nên anh vào BV Chợ Rẫy chữa trị.
Anh P. kể: “Nhiều người bị rắn cắn được thầy rút nọc ra đều hết, có lẽ tôi để lâu quá nên nọc chạy vô người rồi”.
Bị rắn chàm quạp cắn, chị KTKĐ nhờ thầy lang chữa trị không xong nên mới đến BV Chợ Rẫy. Ảnh: H.LAN
Không nặn máu vết cắn mà đưa đi BV ngay
TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, cho biết trường hợp người bị rắn độc cắn không đến cơ sở y tế mà tự chữa hoặc nhờ thầy lang chữa không nhiều, tuy nhiên khi nhập viện thường gặp biến chứng nặng nề. Nhiều trường hợp phải đoạn chi, thậm chí tử vong. Nguyên nhân là do nhiễm trùng từ vết cắn khi nặn máu ra hoặc đắp thuốc lên. Ngoài ra, khi chữa thầy lang không hết thì bệnh nhân mới nhập viện, do thời gian quá lâu nên nọc độc đã lan rộng vào cơ thể gây rối loạn đông máu, suy hô hấp do ngộ độc thần kinh, não bị tàn phá không thể hồi phục được.
Do đó, BS Hùng khuyến cáo khi bị rắn cắn, người dân cần bình tĩnh, không nên la hoảng, chạy lung tung khiến nọc rắn lan rộng vào cơ thể nhanh hơn. Nên nằm im tại chỗ, tránh hoạt động mạnh. Không nên chích, nặn máu ở vết thương mà cần rửa sạch và chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và truyền huyết thanh kháng nọc cần thiết.
Khi di chuyển, bệnh nhân cần cố định chỗ vị trí vết thương sao cho bất động nhưng tránh băng bằng garo vì garo siết chặt sẽ khiến máu không lưu thông gây hoại tử chi. Ngoài ra, nếu bắt được con rắn đem đến BV thì càng tốt, nếu không thì cần quan sát để miêu tả chính xác lại cho nhân viên y tế. Đa số các loài rắn độc đều có huyết thanh kháng nọc và cách điều trị nên cần đưa người bệnh đến BV càng sớm càng tốt, tránh nọc rắn lan rộng và gây hoại tử các bộ phận của cơ thể.
Thầy lang bó tay mới khuyên đi BV Chiều tối 22-1, khi đang chặt lá cho dê ăn thì tôi nghe đau nhói ở chân. Nhìn xuống dưới chân, tôi thấy con rắn sọc có màu như lá cây khô vừa rời chỗ tôi và để lại hai dấu răng. Lúc đó tôi cảm thấy đau lắm, tê bại, không đi nổi nữa. Chồng tôi lấy xe máy chở tôi đến chỗ thầy lang ở trong vùng. Tại đây, thầy lang pha thuốc với nước đắp lên chân và cho tôi thuốc uống ba ngày. Đến tối, chỗ rắn cắn càng đau nhức và ra máu nhiều không cầm được, tôi mới gọi cho thầy lang. Lúc này thầy lang mới khuyên tôi nên đến BV đi. Ở chỗ tôi ai cũng đi thầy này cả. Không có tiền thì chạy vô ông thầy trước chứ vào BV sợ tốn nhiều tiền lắm. Cuối cùng, chồng tôi đưa tôi vào BV Chợ Rẫy và được chuyển đến khoa Bệnh nhiệt đới để điều trị, giờ tôi thấy an tâm rồi. Chị KTKĐ, ngụ xã Nhơn Sơn, Ninh Sơn, Ninh Thuận, |