Suýt vỡ túi phình động mạch nhưng tưởng rối loạn tiền đình

Mới đây, bệnh nhân Quan Thị Thúy N. (50 tuổi, ngụ Đồng Nai) bị bệnh đau đầu âm ỉ kéo dài khoảng một tháng. Khám bệnh tại BV địa phương, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh rối loạn tiền đình, tuy nhiên nhiều ngày uống thuốc nhưng vẫn không thuyên giảm.

Trước nhập viện, bệnh nhân từ Đồng Nai vào TP.HCM thăm người thân thì tái phát cơn đau đầu, bị té, hôn mê, được chuyển vào BV 30-4. Các BS chẩn đoán bệnh nhân bị túi phình khổng lồ động mạch cảnh trong trái. Ngay sau đó bệnh nhân được chuyển đến BV Chợ Rẫy.

Tại đây, các BS đã nhanh chóng hội chẩn, nhận định bệnh nhân tiến triển nặng, phải can thiệp nhanh chóng nếu không túi phình sẽ vỡ dẫn đến tử vong. Đặc biệt, với tình trạng của bệnh nhân phải sử dụng phương pháp phẫu thuật bắc cầu động mạch não trong và ngoài sọ áp lực cao. Được biết, đây là kỹ thuật được BV Chợ Rẫy áp dụng thành công lần đầu tiên ở Việt Nam.  

Bà N. sau ca phẫu thuật sức khỏe ổn định. Ảnh: HL

PGS.TS.BS Huỳnh Lê Phương - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, BV Chợ Rẫy, cho biết, đây là trường hợp bệnh nhân thứ tám được thực hiện kỹ thuật này. BS Phương cho hay, bệnh lý túi phình mạch máu não là chỗ yếu và phình lên trên thành mạch của một động mạch não. Sự phình to, giãn mỏng sẽ gây nguy cơ túi phình bị vỡ, nguy cơ xuất huyết và tử vong rất cao. Đặc biệt là túi phình khổng lồ lớn hơn 25 mm của bệnh nhân này.

Đối với phương pháp phẫu thuật bắc cầu động mạch não trong và ngoài sọ áp lực cao gặp nhiều khó khăn, do đó các BS phải thật sự tỉ mỉ, cẩn trọng trong quá trình phẫu thuật nếu không túi phình có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Tham gia ekip phẫu thuật, TS-BS Trần Minh Trí – khoa Ngoại Thần kinh, BV Chợ Rẫy, sáu bác sĩ phải chia ra làm 3 ê-kíp để cùng tham gia ca mổ.

Bác sĩ của ê-kíp thứ nhất mổ lấy tĩnh mạch ở chân của bà N., hai bác sĩ thuộc ê-kíp thứ 2 mổ mở động mạch cảnh ở cổ. Các bác sĩ còn lại mở hộp sọ thắt đoạn động mạch não có túi phình. Ngay sau đó, bác sĩ lấy đoạn tĩnh mạch ở chân của bà N. để đưa lên cổ thực hiện nối bắc cầu từ cổ bà đi dưới da mặt lên vùng não. Mục đích của kỹ thuật này nhằm cung cấp máu nuôi sống hệ mạch máu não. Hiện bà N. không còn xuất hiện cơn đau đầu và di chứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm