Khoái khẩu với cà tím nướng mỡ hành. Ảnh: Lê Kiên
Một chén cà ba chén thuốc
Cà tím có tên khoa học là solanum melongena, có nguồn gốc ở Ấn Độ. Ăn sống thì vị cà hơi đắng, nhưng nấu chín sẽ mất vị đắng và có mùi thơm dễ chịu. Nghiên cứu thành phần dinh dưỡng và hoạt chất trong cà tím, người ta ghi nhận có chất trigonellin, beta-amino-4-ethylglyoxalin và cholin, vỏ quả màu tím có chứa nhiều sắc tố thuộc nhóm anthocyanidin, người ta còn tách chiết được một ester là para-cumarin và delphinidol.
Thịt quả còn chứa nhiều protid, cellulose, đường, chất béo, đặc biệt nhiều loại vitamin như A, B1, B2, B3, B5, B6, B9, C, PP, nhiều khoáng tố vi lượng như Fe, Zn, Ca, P, K, Mg, Mn. Quả cũng có chứa alkaloit solanin như hầu hết các loại cà khác.
Theo y học cổ truyền, cà tím có vị ngọt, tính lạnh, không độc, tác dụng điều hòa thân nhiệt, bổ ngũ tạng hư tổn, tán huyết ứ, cầm máu, tiêu sưng. Được dùng chữa đại tiểu tiện ra máu, tiểu buốt, đi cầu ra máu, viêm loét ruột chảy máu, phụ nữ rong huyết, chữa sưng tấy, tay chân nứt nẻ khi trời lạnh giá, đau răng, viêm lợi, chín mé ngón tay ngón chân gây sưng nhức.
Khi dùng cà tím làm thức ăn, nên chọn quả chín thì hàm lượng solanin giảm nhiều hơn quả xanh. Có thể dùng rễ và vỏ cây phơi khô sắc lấy nước uống mỗi ngày.
Đơn thuốc có cà tím
-Chữa đại tiểu tiện ra máu, phụ nữ rong huyết: dùng quả cà già vàng cuống, thái mỏng, sao vàng, tán bột, uống mỗi lần 8g với ít nước giấm nhạt, ba lần/ngày.
-Tiểu buốt ra máu, đi cầu lỵ ra máu hay viêm ruột chảy máu: dùng 40g rễ và thân cây khô sắc nước uống.
-Miệng lở có nấm, răng sâu sưng đau, trĩ ra máu: dùng cuống hoặc hoa cà đốt ra tro, tán nhỏ, uống với nước cơm, mỗi lần 8g và lấy ít bột rắc vào chỗ đau.
-Người bị sưng tấy: dùng quả cà mài với giấm bôi, hoặc giã nhỏ, chưng với giấm đắp vào.
-Tay chân nứt nẻ vì trời lạnh, chín mé ngón tay, chân: lấy rễ và cây khô nấu nước ngâm rửa.
Đề phòng dị ứng
Nhiều tạp chí y học báo cáo có hiện tượng ngứa ở ngoài da và miệng sau khi ăn cà tím. Một nghiên cứu tiến hành năm 2008 trên 741 người Ấn Độ (nơi cà tím thường được tiêu thụ nhiều nhất) cho thấy gần 10% nói rằng có triệu chứng giống như bị dị ứng sau khi ăn cà tím, trong khi 1,4% cho thấy các triệu chứng xuất hiện trong vòng chưa đầy hai giờ sau khi ăn; hiện tượng viêm da hoặc dị ứng với phấn hoa cà cũng đã được ghi nhận.
Đó là do trong cà tím có chứa một loại protein và một số chất chuyển hoá có tác dụng như một loại histamin và hàm lượng lại cao, nên cà tím tiềm ẩn tính chất gây dị ứng và bộc phát ở một số người quá mẫn cảm. Dù vậy, những nghiên cứu cũng xác định khi nấu chín kỹ thì có thể ngăn chận được tác dụng phụ này.
Cà có tính lạnh nên người yếu mệt hoặc dạng hàn thấp (đau nhức khi trời lạnh) không nên ăn nhiều và thường xuyên.
Theo DS Lê Kim Phụng (Người đô thị)