Ảnh: flickr.com
Các nhà khoa học khuyến khích chúng ta nên bổ sung rau lang vào thực đơn ăn uống hàng ngày vì những lý do sau đây.
• Lá khoai lang chứa nhiều chất lutein và zeaxanthin (xanthophylls) rất có lợi cho mắt, đặc biệt là trong việc phòng chống bệnh AMD (thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác) và bệnh đục thủy tinh thể.
Lutein và zeaxanthin là các dưỡng chất phân bố rộng rãi trong các mô tế bào thần kinh mắt và khu vực điểm vàng của võng mạc. Chúng có khả năng lọc ánh sáng xanh gây hại cho mắt, đồng thời còn có khả năng chống ôxy hóa mạnh mẽ, nên có thể ngăn chặn quá trình ôxy hoá ở các cơ thần kinh mắt - yếu tố gây bệnh đục thủy tinh thể liên quan đến tuổi tác.
Ảnh: flickr.com
• Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn cho biết chất xanthophylls trong rau lang cũng có đặc tính chống đột biến gen và tế bào gây bệnh ung thư. Vì vậy, ăn rau lang thường xuyên sẽ có thể phòng ngừa căn bệnh ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư phổi.
• Hơn nữa, ngày càng có nhiều bằng chứng thực nghiệm cho thấy chất lutein và zeaxanthin trong rau lang còn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống bệnh tim mạch vành và đột quỵ.
Theo đó, một số kết quả nghiên cứu hiển thị trên các mô hình của thành động mạch cho thấy, lutein đã làm giảm lượng cholesterol xấu trong thành động mạch một cách rõ rệt.
Ảnh: flickr.com
• Trong các bữa ăn của người bệnh tiểu đường, nên thường xuyên dùng món rau lang luộc vì chúng có đặc tính giảm đường huyết rất tốt.
Đọt rau lang có chứa một chất gần giống insulin mà ở lá già không có chất này.Vì thế, các bệnh nhân tiểu đường có thể dùng đọt lá rau lang để ăn như là một phương thuốc bảo vệ sức khỏe của mình.
• Không chỉ thế, rau lang còn chứa nhiều chất xơ, kali và beta carotene giúp nhuận tràng. Nhưng lưu ý, để nhuận tràng (chữa táo bón) thì nên ăn rau lang tươi luộc chín, không nên dùng rau lang còn sống vì sẽ có tác dụng ngược. Cũng không nên dùng rau lang quá nhiều mà nên dùng xen kẽ với những loại rau khác.
• Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn rau lang luộc trong những ngày trời nắng nóng, hoặc cơ thể đang bị nhiệt (nóng) để giúp thanh nhiệt và làm mát cơ thể.
Ảnh: flickr.com
Theo HUỆ NGUYỄN (PNO, foodtech.uonbi.ac.ke)