Ngày 27-2, lễ trao giải cuộc thi viết "Về nhà" do Chi nhánh miền Nam NXB Hội Nhà văn phối hợp với trang Vanvn.vn tổ chức đã diễn ra tại Chi nhánh miền Nam NXB Hội Nhà văn TP.HCM.
Theo đó, với ý tưởng muốn tìm kiếm tác phẩm từ các câu chuyện người thật việc thật vừa trải qua đại dịch COVID-19 kinh hoàng trong năm 2021 cuộc thi nhấn mạnh về một mái nhà, quê hương, cội nguồn, tổ ấm... những hình ảnh ý nghĩa hơn bao giờ hết khi đại dịch tràn khiến bao nhiêu người mất mát.
Diễn ra từ ngày 15-1-2021 đến 25-1-2022, cuộc thi đã nhân được 750 bài dự thi từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi về. Đặc biệt có nhiều tác giả là người Việt đang sinh sống, làm việc, học tập ở nước ngoài như Đức, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Sri Lanka…
Giải nhất đã được trao cho tác phẩm "Chuyến về nhà của Huyền" của tác giả Minh Đan.
Tác giả Minh Đan (giữa-bên phải) nhận giải nhất cuộc thi viết "Về nhà". Ảnh: NGUYỄN HÀ.
"Chuyến về nhà của Huyền" của tác giả Minh Đan viết về cô gái tên Huyền - một người mẹ đơn thân cùng cha mẹ từ Sóc Trăng lên Sài Gòn mưu sinh và cô đã mất cha, mẹ trong thời điểM COVID-19 bùng phát tại TP.HCM.
Được một người bạn thông tin, tác giả đã liên hệ với Huyền và không khỏi xót xa với hoàn cảnh của người mẹ đơn thân.
Nhân vật Huyền (bên trái) nghẹn ngào chia sẻ những mất mát vừa qua. Ảnh: NGUYỄN HÀ.
Đặc biệt, nhân vật Huyền của tác giả Minh Đan cũng đã xuất hiện tại buổi lễ trao giải. Điều khiến buổi lễ xúc động hơn là tác giả Minh Đan quyết định tặng lại toàn bộ số tiền thưởng của giải nhất cho Huyền gồm 10 triệu đồng cũng bộ quà tặng kèm theo.
Kết quả cuộc thi viết Về nhà: - Giải nhất: Tác phẩm "Chuyến về nhà" của Huyền - tác giả Minh Đan (TP.HCM). |
Chia sẻ thêm với PLO về cảm xúc của mình, tác giả Minh Đan cho biết: "Thực ra, ngay từ đầu ai tham gia cuộc thi cũng đều hi vọng cả và ngay với tôi cũng vậy. Nhưng sau khi lọt vào 39 tác phẩm để vào chung khảo thì tôi nghĩ các tác phẩm đều xứng đáng cả.
Mỗi người giống như một mảnh ghép cùng nhau tạo nên một bức tranh Sài Gòn để lưu dấu ân lại một thời kỳ Sài Gòn trải qua những tang thương đau buồn như thế cũng từ đó giúp cho chúng ta trân quý nhau hơn và mọi người quan tâm chia sẻ với nhau nhiều hơn.
Qua đó thấy được trận dịch này đã thức tỉnh lương tri của mọi người , lâu nay chúng ta thường sống thờ ơ với những người xung quanh. Đồng thời, trận dịch vừa qua là dịp để chúng ta lắng đọng lại nhìn nhận lại và thấy rằng xung quanh chúng ta có rất nhiều mảnh đời bất hạnh do đó chúng phải sống trách nhiệm hơn với chính mình và cả những số phận xung quanh mình".
Nằm trong thành phần Ban tổ chức cuộc thi viết "Về nhà", Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng đã bày tỏ những cảm xúc cũng như việc sẽ tiếp tục duy trì cuộc thi khi được lắng nghe những câu chuyện đầy cảm động tại lễ trao giải. Chia sẻ với PLO, Tiến sĩ Trần Đình Lý cho biết cảm thấy rất ấm lòng khi đón nhận nhiều nhân vật, tác giả và tác phẩm với những câu chuyện rất xúc động. Qua đó, thầy Lý cũng cảm thấy có trách nhiệm của mình đối với những nhân vật đó. "Cuộc thi viết về nhà này có thể nói là 'có một không hai' chưa bao giờ chúng ta rơi vào một hoàn cảnh hay nghịch cảnh mà có nhiều cảm xúc như vậy BTC cũng có một suy nghĩ cũng như định hướng đó là hiện thực cụm từ 'Về nhà' này sẽ tiếp tục lan toả. Đương nhiên hi vọng đại dịch này sẽ chấm dứt và để hướng đến những cuộc về nhà hạnh phúc trong tương lai thì chúng tôi cố gắng sẽ duy trì cuộc thi này với những cảm xúc cũng như câu chuyện tốt đẹp rất nhân văn, rất tình người. Cuộc thi này này rất là tuyệt vời từ những câu chuyện nhưng nhân vật và tác giả là người đem những câu chuyện có thật đó đến với cuộc thi. Như nhà văn Trần Nhã Thuỵ nói, những câu chuyện này không thể hư cấu được, mà nó là một câu chuyện để đời để chúng ta luôn trân quý và gìn giữ nó. Cảm xúc là luôn luôn còn. Với những cảm xúc đó cộng thêm trách nhiệm thì chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục, rồi dịch rồi sẽ qua đi thôi, nhưng những mảnh đời cũng như câu chuyện hoàn cảnh như các nhân vật trong các tác phẩm dự thi luôn luôn nhắc cho chúng ta về trách nhiệm với cuộc sống, cộng đồng và với những người đang còn nhiều khó khăn. Hãy trân quý, giúp đỡ họ và đó là chính là quyền lợi của chúng ta"- Tiến sĩ Trần Đình Lý bày tỏ. |