BẾ MẠC HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 5 (KHÓA XI)

Tái khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân

Đây là những điểm mới được Trung ương thống nhất trong hội nghị lần thứ năm vừa bế mạc ngày 15-5. Theo đó, dù trong xã hội còn ý kiến khác nhau về quyền sở hữu đất đai nhưng Trung ương lần này tái khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; đồng thời quy định rõ ràng, cụ thể hơn các quyền của đại diện chủ sở hữu và quyền thống nhất quản lý của Nhà nước, đặc biệt là trong việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; trao quyền sử dụng đất và thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế-xã hội...

Không chia lại đất nông nghiệp đã giao

“Một điểm mới là chúng ta đã nhận thức rõ ràng hơn và quy định rành mạch hơn sự khác nhau giữa quyền sở hữu đất và quyền sử dụng đất; quyền và trách nhiệm của Nhà nước với quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đối với từng loại đất” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay trong bài phát biểu bế mạc hội nghị. Theo Tổng Bí thư, quyền sử dụng đất cũng là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu. Người sử dụng đất được có một số quyền (chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp...) và được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; đồng thời phải có nghĩa vụ chấp hành quyết định thu hồi đất của Nhà nước...

Trung ương cũng tái khẳng định quan điểm không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai. Đồng thời, trước việc sắp hết thời hạn giao đất nông nghiệp (2013), Trung ương khẳng định không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân.

Tái khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh : TTXVN

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân có thời hạn nhưng có thể kéo dài hơn để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng và yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, từng giai đoạn để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp.

Những quan điểm trên sẽ định hướng cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai trong thời gian tới (dự kiến trình QH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp cuối năm nay).

Tổng Bí thư đứng đầu Ban chỉ đạo chống tham nhũng

Về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), một biện pháp mới được đề ra lần này là Trung ương quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm trưởng ban. Tái lập Ban Nội chính trung ương, chuyển Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương hiện nay vào Ban Nội chính. Ban Nội chính vừa thực hiện chức năng một ban đảng, đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.

Trung ương cũng quyết định không tổ chức Ban Chỉ đạo PCTN cấp tỉnh như hiện nay nữa; tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác PCTN, đồng thời xem xét lập Ban Nội chính trực thuộc các tỉnh ủy, thành ủy trên cơ sở tổ chức lại Văn phòng Ban Chỉ đạo PCTN cấp tỉnh hiện nay.

“Ban Chỉ đạo PCTN không làm thay các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước; không phải cứ lập ban chỉ đạo là xoay chuyển ngay được tình hình như “một chiếc đũa thần”. Bởi vì, đấu tranh PCTN, lãng phí là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, gian khổ, lâu dài…” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Sửa hiến pháp là vấn đề nhạy cảm

Về tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, Trung ương tiếp tục nhấn mạnh đây là công việc đặc biệt quan trọng, nhạy cảm, phải có cách làm khoa học, thận trọng. Theo đó tiếp tục khẳng định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Quốc hội vẫn là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan duy nhất do cử tri cả nước bầu ra và có quyền lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp. TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Về quy trình sửa đổi hiến pháp, Trung ương khẳng định cần có cơ chế bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về các nội dung sửa đổi, để Quốc hội có đầy đủ cơ sở xem xét, quyết định.

Soát xét lại lương sếp DNNN

Về một số vấn đề trong chính sách xã hội, tiền lương từ nay đến 2020, Trung ương đã phân tích, chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém và yêu cầu phải khắc phục, sửa chữa. Trung ương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo đảm các gia đình người có công có mức sống tối thiểu bằng mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội bao phủ toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin.

Trung ương cũng yêu cầu trong năm 2012-2013 phải khẩn trương bổ sung, sửa đổi một số chính sách cần và có thể điều chỉnh ngay nhằm sớm khắc phục những bất hợp lý nổi cộm hiện nay. Ưu tiên điều chỉnh tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang gắn với việc khắc phục tình trạng quá nhiều loại phụ cấp. Soát xét lại chế độ tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước, khắc phục tình trạng bất hợp lý, chênh lệch quá lớn giữa cán bộ quản lý và người lao động; tiền lương, thu nhập không gắn với kết quả sản xuất kinh doanh.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm