Tai nạn trẻ em những ngày cận tết

Ngày 1-2, bé Nguyễn Anh Khang (hai tuổi, Ninh Thuận) đến cấp cứu tại BV Nhi đồng 1 trong tình trạng gãy xương hàm dưới, rách mặt. Theo bệnh án, bé Khang được mẹ chở bằng xe đạp nhưng không may bị xe gắn máy quẹt phải, bé đập mặt xuống ghi đông, gãy xương hàm. Đến ngày 5-2, BV Nhi đồng 1 tiếp tục cấp cứu bệnh nhi Trần Quốc Danh (năm tuổi, tạm trú quận 3) bị chó cắn rách phần má trái. Mẹ bệnh nhi kể lại, em thấy chó đang ăn thì chạy lại nắm đuôi, hậu quả là con chó quay lại tấn công em. Sáng 9-10, BV Nhi đồng 1 mổ cấp cứu cho bệnh nhi Nguyễn Thị Ngọc Ánh (năm tuổi, TP.HCM) bị tai nạn giao thông gãy xương đùi, gãy xương hàm dưới. BV Nhi đồng 2 cũng cấp cứu một trẻ 18 tháng tuổi bị taxi tông phải gây chấn thương đầu trong lúc được mẹ bế băng qua đường… Đó là chưa kể hàng chục trẻ bị phỏng nước sôi, điện, lửa đang nằm điều trị tại hai bệnh viện nhi này.

Bệnh nhi Trần Quốc Danh bị chó cắn rách má phải đã được các bác sĩ khâu lại. Ảnh: DUY TÍNH

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, BV Nhi đồng 1, cho biết trong năm 2009, nơi này đã tiếp nhận hàng chục trẻ em bị chó cắn ở mặt. Lý do trẻ bị chó cắn rất đơn giản: trẻ mon men lại gần rờ vuốt khi chó đang ăn hoặc đang ngủ và bị chó tấn công. Do trẻ quá thấp nên chủ yếu bị thương ở mặt. Hậu quả chó cắn rất khó lường, trẻ bị mất thẩm mỹ vùng mặt như đứt mũi, rớt thịt trên má, mất phần môi… Ngoài ra, trẻ bị chó cắn có thể mang bệnh phong đòn gánh và bệnh dại nếu không được tiêm ngừa.

“Khi trẻ té ngã đập mặt bị gãy răng thì phụ huynh cần giữ lại chiếc răng, rửa lại bằng nước sạch, bảo quản và mang trẻ tới bệnh viện ngay vì chiếc răng có thể cấy, ghép lại được” - bác sĩ Đẩu nói. Bác sĩ Đẩu cũng khuyến cáo phụ huynh khi chở con ra đường bằng xe máy, xe đạp cần cho trẻ đội mũ bảo hiểm; trẻ ở nhà thì trông coi trẻ cẩn thận tránh té lầu, phỏng nước sôi, lửa và chó.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới