“Tôi cho rằng Triều Tiên sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần sáu vào một lúc nào đó. Tuy nhiên, họ tính toán thời gian rất cẩn thận và có vẻ bắt đầu cân nhắc một số yếu tố” - chuyên gia Jean Lee đến từ Trung tâm nghiên cứu Wilson nhận định trên CNN hôm 26-4. Triều Tiên thường tính toán cẩn trọng các vấn đề trong nước và yếu tố địa chính trị mỗi khi nước này tiến hành thử vũ khí hạt nhân. Theo ông Lee, các vụ thử nghiệm thường diễn ra theo một chu kỳ khá dễ đoán, với thời gian rơi vào các ngày lễ lớn ở Triều Tiên hoặc lợi dụng tình hình địa chính trị.
Triều Tiên tập trận pháo binh quy mô lớn ở TP cảng Wonsan hôm 25-4. Ảnh: RODONG SINMUN
Nhiều chuyên gia lúc đầu cho rằng Triều Tiên sẽ nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Triều Tiên 25-4 để thử hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên, thay vì làm vậy Triều Tiên đã tập trận pháo binh rầm rộ. Giới phân tích cho rằng lễ tưởng niệm chiến tranh Triều Tiên vào ngày 25-6 tới cũng là một lựa chọn để Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần sáu.
Một số nhà phân tích cho rằng đây có thể là một phần chiến lược “dài hơi” của Bình Nhưỡng. Với động thái đã “lên nòng” nhưng tạm hoãn, Triều Tiên khiến thế giới luôn bất an. Theo ông Lee, một phần vì Triều Tiên muốn được ông Trump và các lãnh đạo thế giới phải để mắt tới nước này. Mặt khác, tình trạng mơ hồ về ý định và năng lực sẽ tạo lợi thế cho Triều Tiên khi phải đối đầu.
Chuyên gia Tong Zhao, thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách toàn cầu Carnegie-Thanh Hoa, lại cho rằng Triều Tiên có thể đang sử dụng các vụ thử tiềm năng này như một đòn bẩy hay một lá bài mặc cả. Nước này sẽ thậm chí đồng ý từ bỏ hạt nhân trong trường hợp chính quyền ông Trump muốn đối thoại nhưng với danh nghĩa là “thiện chí”. Sức ép từ Trung Quốc và Mỹ có thể cũng là một yếu tố khiến Triều Tiên chưa thử hạt nhân lần sáu, theo CNN.