Cô giáo dạy văn viết văn, làm thơ không phải hiếm. Ở TP.HCM có nhà thơ Huệ Triệu cũng là cô giáo dạy văn trường chuyên THPT Lê Hồng Phong. Tại thành phố biển Nha Trang cũng có cô giáo dạy văn trường chuyên THPT Lê Quý Đôn viết phê bình văn học rồi viết văn, đó là nhà văn Chế Diễm Trâm.
Tác giả Chế Diễm Trâm vừa ra mắt tập truyện ngắn đầu tay Tám phút mười chín giâydo Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2020. Cuốn sách có 15 truyện ngắn hầu hết xoay quanh đề tài tình yêu - hôn nhân - gia đình.
Nỗi cô đơn ở người thiếu nữ
Cô đơn là nội dung xuyên suốt chiếm lĩnh nhiều nhất trong số 15 truyện ngắn như Mép nước; Tạ ơn; Ế, Tim ơi, đừng đau nữa!, Hố sâu, Buông và Tám phút mười chín giây của Chế Diễm Trâm.
Ngay truyện ngắn đầu tiên Mép nước không vì ngăn cách giới hạn địa lý, không gian người con gái cũng không vượt qua để đón nhận tình yêu. Đây là nỗi cô đơn của một thiếu nữ mặc dầu: "Tôi nhớ anh vô cùng. Tôi nhớ anh không nguôi. Từ nơi đây đến nơi ấy núi đèo cách trở nhưng mặt biển này thông nhau. Vậy mà tôi không bước xuống mép nước. Tôi không dấn thêm bước nào. Có những giới hạn của số phận, của cuộc đời làm người ta từ bỏ hết, kể cả những giọt nước mắt dào lên mặn đăng...".
Trong truyện ngắn Ế cũng vậy, Ngân đã ba mươi tuổi vẫn đơn chiếc dù cô từng có mối tình sinh viên rất đẹp với Phương nhưng cũng vì giới hạn địa lý mà ba mẹ Ngân ngăn cấm thế là họ không đến với nhau được. Ngân nghĩ: “Giá mà Ngân ba mươi tuổi như bây giờ và dám quyết liệt thì chuyện đã khác”.
Tuy nhiên khi ở tuổi ba mươi chuyện đó cũng không xảy ra như Ngân nghĩ. Ngân có tình cảm đặc biệt với sếp giám đốc có vợ thường xuyên công tác xa. Sếp là người từng trải hiểu ý Ngân, đọc được nỗi buồn của nàng.
Mẹ nghe Ngân kể về mối tình này, bà đã nhờ bạn bè của ba Ngân tìm việc khác. “Mẹ lo Ngân sẽ khổ khi gửi trái tim không đúng chỗ. Sếp có vợ con, vợ sếp trên danh nghĩa chỉ đi làm ăn xa, hai người đâu có bỏ nhau đâu. Ngân chỉ lớn hơn con gái sếp vài tuổi. Mẹ dứt khoát, nhà người ta đã lung lay vậy, không vun vào thì thôi, đừng có đang tay phá đổ con à, thất đức lắm”.
Có những triết lý đời thường được tác giả đưa vào dẫn dắt hợp tình, hợp lý: “Người ta một khi thất bại, hoặc sẽ rất chán chường hoặc sẽ tự huyễn hoặc mình” (Cái cột điện).
“Những người mình yêu quý sẽ đón nhận thật bình tĩnh lẽ huyền vi vô thường. Khi người ta không còn trẻ, mọi thứ đều nhẹ như mây, kể cả sự kết thúc” (Tám phút mười chín giây).
Biển Nha Trang là nguồn cảm xúc để nhà văn Chế Diễm Trâm viết một số truyện ngắn đầu tay của mình. Ảnh minh họa.
“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”
Tác giả Chế Diễm Trâm là cô giáo dạy văn nên những trang viết miêu tả tình yêu rất nhẹ nhàng nhưng thật lãng mạn. Tình yêu của lứa tuổi học trò, sinh viên thật đẹp.
“Khi người ta đôi chín, người ta quá khờ, người ta không hiểu đó là một chuyện tự nhiên của con người, đó là do con người ta vì căng thẳng khi ngồi với bạn khác giới nên không thể kiểm soát được… Thế là mắc cỡ, mắc cỡ đến mức không muốn nhìn… Thế là tan thành mây khói” (Ế).
Chuyện tình đẹp trong Bìm bịp mãi tím giữa chàng thanh niên khi cùng chúng bạn lên Đà Lạt vô tình đi lạc vào giáo đường bỏ hoang. Anh ta bị rắn cắn đã gặp cô gái cứu: “Nàng quay lưng cởi áo ngoài, lột chiếc soutien, cắt hai sợi dây nối lại rồi cột cánh tay tôi. Trong phút chốc, tôi như ngừng thở trước vẻ đẹp ngọc ngà của tấm thân nàng.
Nàng chở tôi đến bệnh viện gần đó, Lạ kỳ, sợ hãi đến lạnh người mà tôi vẫn còn đủ sức ngả đầu lên vai nàng, hít mùi hương trên vai, trên cổ, trên tóc nàng. Nàng tưởng tôi sắp ngất nên càng đưa lưng ra cho tôi tựa hẳn vô. Ôi, cái thằng quỷ tôi!...”.
Với tôi Bìm bịp mãi tím là truyện ngắn hay nhất trong tập này. Bởi tình yêu dang dở như thi sĩ Hồ Dzếnh đã viết “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở” giữa Quân - anh chàng có tâm hồn nghệ sĩ gặp Mai- cô gái Đà Lạt yêu hội họa. Họ tình cờ gặp nhau nhưng chàng trai lo lý tưởng đi học xa để một mình cô gái gối chiếc đợi chờ. Mai - cô gái yêu hội họa mặc dù có bao chàng trai tán tỉnh vẫn hy vọng đợi người mình cứu vì bị rắn cắn.
Để rồi khi Quân trở về lại lấy vợ cũng rung động đầu đời khi: “Bất giác, nàng ôm lấy chân tôi và run run lời cảm ơn. Tôi đỡ nàng đứng dậy. Nàng đứng sát vào tôi, tin cậy. Tôi ôm châu thân ấy vào lòng, nàng khép mi chờ đợi. Tôi đặt một nụ hôn đầu đời lên môi nàng. Cả hai run lên, tựa sát vào nhau. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là hôn nhau. Với nàng thì chắc chắn thế”.
Để rồi khi chàng quay về chốn cũ tìm dư vị ngày xưa thì hay tin nàng bị tai nạn qua đời trong khi vẫn còn trinh nguyên mòn mỏi chờ đợi chàng bao năm qua.
“Bức tranh hoa bìm bìm Mai vẽ” vẫn in đậm trong tâm trí Quân khi anh hay tin Mai qua đời. Anh dày vò, ân hận khi đến “chỗ nhà thờ cũ, giờ là một trại hoa oải hương tím ngát. Tôi như thấy Mai với bờ vai trần, hy sinh chiếc áo và cả nỗi e thẹn của người con gái để cứu tôi. Tôi ngước lên trời cao. Một làn mây tím đang bay về cuối trời…”.
Mong rằng sau tập truyện ngắn đầu tay này, Chế Diễm Trâm sẽ tiếp tục có những tác phẩm hay về đề tài Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình hay tình yêu tuổi học trò, sinh viên...
Nhà văn Cao Duy Thảo trong Lời giới thiệu đã viết: "Tám phút mười chín giây - cũng là tên của tập sách, hay ở cách kết cấu hiện đại, gộp rất nhiều tình huống vào một thời khắc để mô tả sự tươi mới nhạy cảm của đời sống quanh ta. Đọc truyện này người ta thấy tác giả giỏi tạo cớ để triển khai một truyện ngắn mà chỉ người chuộng cách sống cô đơn mới đạt tới. Hãy bước vào thế giới nghệ thuật Tám phút mười chín giây để thấy cuộc sống trôi chảy nhẹ nhàng mà đa phương theo cách mỗi chúng ta mơ ước, mơ mộng, mơ tưởng...". |
Nhà văn Chế Diễm Trâm
Tác giả Chế Diễm Trâm sinh năm 1965 tại Nha Trang. Thạc sĩ, nhà giáo, nhà văn. Hội viên Hội VHNT Khánh Hòa. Tác phẩm đã xuất bản: "Nghệ thuật tùy bút Vũ Bằng" (2015). "Những ô cửa nhìn ra vườn văn" (2017). Giải thưởng Văn học: Giải B cuộc thi Bút ký Hội VHNT tỉnh Khánh Hòa năm 2011 Giải nhì cuộc thi truyện ngắn và thơ Hội Nhà văn TP. Đà Nẵng năm 2015… |