Tâm sự của nữ giáo sư toán học thứ hai tại Việt Nam
GS Nhàn là nữ GS toán học thứ hai của Việt Nam sau GS Hoàng Xuân Sính, hiện đang là chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Thăng Long.
GS Nhàn xúc động và tự hào cho biết buổi lễ nhận quyết định hôm nay như trong một giấc mơ khi được công nhận giáo sư ở tuổi 45.
Nhắc lại những kỷ niệm không quên về tuổi thơ gian khó, phải nhịn đói thường xuyên nhưng vẫn có tinh thần lạc quan để vươn lên. “Từ phổ thông tôi đã chọn toán nên khi vào khoa Toán Trường ĐH Sư phạm Việt Bắc. Trong bốn năm ĐH thời bao cấp tôi đã vươn lên hàng đầu khóa học, tốt nghiệp loại giỏi, được giữ lại trường giảng dạy khi tròn 20 tuổi” - GS Nhàn kể lại.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh trao chứng nhận chức danh giáo sư cho GS Lê Thị Thanh Nhàn
Theo GS Nhàn, được nghiên cứu toán là điều yêu thích. “Thành công của tôi ngày hôm nay bắt đầu từ sự yêu thích đó” - nữ giáo sư chia sẻ.
Bày tỏ lời cảm ơn đến bố mẹ, thầy cô và gia đình, GS Nhàn còn cảm ơn GS-TSKH Nguyễn Tự Cường, người hướng dẫn trở thành giáo sư toán học như ngày hôm nay, cùng ĐH Thái Nguyên và Viện Toán học. “Đó là nơi cho tôi sự nghiệp khoa học và thành công như ngày hôm nay”.
GS Nhàn cho rằng những gì đạt được ngày hôm nay là kết quả của sự say mê và nỗ lực không mệt mỏi trong suốt thời gian dài. Nghiên cứu khoa học là con đường chông gai và rất khó để làm giàu nhưng vẫn có những bạn trẻ đang dấn thân, có những người có nhiều công trình xuất sắc, có người bỏ lại những ưu đãi ở nước ngoài trở về đất nước với môi trường làm việc còn quá vất vả...
GS Nhàn (thứ hai bên phải) là nữ giáo sư toán học thứ hai của Việt Nam.
"Chẳng hạn như các đồng nghiệp của tôi ở Viện Toán chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, lương của các giáo sư cũng chỉ 8-9 triệu đồng/tháng. Với mức lương như vậy thì làm sao có thể yên tâm nghiên cứu khoa học được" - GS Nhàn trăn trở.
GS Nhàn mong muốn Đảng, Nhà nước, các cơ quan hữu quan, có sự quan tâm đến những người làm công tác nghiên cứu khoa học để giúp ích cho sự phát triển của đất nước.
“Nhưng, tôi tin rằng nếu có cơ chế, chính sách hợp lý của Nhà nước và các cơ quan hữu quan, có sự quan tâm tài trợ thích đáng của các tổ chức, các bộ/ngành thì cách nghĩ của giới trẻ sẽ thay đổi, sẽ ngày càng nhiều người xuất sắc chọn sự nghiệp khoa học và theo đuổi ước mơ trở thành nhà khoa học chân chính” - GS Nhàn nhấn mạnh.
- GS-TS Lê Thị Thanh Nhàn sinh năm 1970, tốt nghiệp xuất sắc ĐH Sư phạm Việt Bắc và được giữ lại làm giảng viên khi mới 20 tuổi; trở thành thạc sĩ, tiến sĩ khi chưa quá tuổi 30.
- Năm 2005 trở thành nữ PGS toán học trẻ nhất Việt Nam.
- Năm 2007, được trao giải thưởng Khoa học Viện Toán học cho cụm công trình nghiên cứu về đại số giao hoán. Đây là giải thưởng khoa học uy tín được trao hai năm một lần cho không quá hai nhà toán học xuất sắc của Việt Nam dưới 40 tuổi.
- Năm 2011 được trao giải thưởng Kovaleskaia. Đây là giải thưởng mang tên nhà nữ toán học Nga lỗi lạc thế kỷ XIX Sophia Kovalevskaia dành để biểu dương, động viên, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của phụ nữ ở những nước đang phát triển.