Tâm sự vợ kiểm ngư 15 ngày đối đầu tàu Trung Quốc

Ngày 1/5, Trung Quốc bắt đầu kéo giàn khoan Hải Dương 981 đặt hạ trên thềm lục địa Việt Nam, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý. Ngày 3/5, từ căn nhà trên đường Tân Trào, phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang, kiểm ngư viên Lê Văn Xiêm nhận lệnh lên đường. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Hằng, nhớ lại: “Hôm 3/5, gia đình chồng từ ngoài Bắc vào chơi rất đông vui, đúng lúc anh nhận được lệnh lên đường ngay. Anh không hề nói gì ngoài thông báo phải đi gấp nhưng nhìn gương mặt anh, tôi đã biết đây là chuyến đi hết sức đặc biệt. Cũng từ hôm đó, gia đình không liên lạc được với anh”.

Vợ chồng anh Xiêm đã có một cháu trai 26 tháng tuổi và chị Hằng đang mang thai 5 tháng. Theo công tác của chồng, chị Hằng chuyển từ Bình Dương ra Nha Trang sinh sống. Con nhỏ, chồng đi xa nên chị đành bỏ công việc tại một công ty sơn vì không thể đi làm xa nhà.

vo-kiem-ngu-2-5974-1400135785.jpg

Vợ con anh Lê Văn Xiêm, kiểm ngư viên tàu 770 đang thực hiện nhiệm vụ chấp pháp ở vùng biển Việt Nam bị Trung Quốc cắm giàn khoan trái phép. Ảnh: Việt Nữ.

Trước khi về công tác tại cơ quan kiểm ngư, anh Xiêm là lính hải quân đã đi trực đảo Trường Sa 2 tăng (mỗi tăng hơn một năm). "Anh ấy đi trực ở Trường Sa khi tôi vừa mang thai con đầu lòng, đến lúc anh ấy về con đã tròn 4 tháng. Cũng như các chị vợ lính biển, tôi thấy mình luôn vững vàng và tự nhủ phải vững vàng để các anh ấy yên tâm làm nhiệm vụ”, chị Hằng nói.

Người vợ của anh Xiêm cho biết, từ thời thanh niên chị có cảm tình đặc biệt với lính biển. Bởi vậy, dù kẻ Bắc người Nam, luôn xa cách nhưng “lính biển hay viết thư lắm” nên chị yêu, hiểu và cưới. Chị Hằng khảng khái: “Phụ nữ ai cũng muốn có chồng kề cạnh nhưng mình yêu chồng thì yêu nghề nghiệp của chồng". Vác bụng bầu lùm lùm, người phụ nữ cười: "Vợ chồng tôi tâm đầu ý hợp lắm, tôi tự hào và hạnh phúc được làm vợ anh ấy”.

Chị Dương Thanh Thủy ở phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, là vợ của kiểm ngư viên Nguyễn Văn Dương. Anh Dương đang thực hiện nhiệm vụ chấp pháp bảo vệ chủ quyền ở tàu kiểm ngư 767 trên vùng biển bị Trung Quốc cắm giàn khoan trái phép. Nửa tháng qua kể từ khi anh đi biển làm nhiệm vụ, chị Thủy chưa liên lạc được với chồng.  

vo-kiem-ngu-1-1869-1400135785.jpg

Chị Dương Thanh Thủy, vợ anh Nguyễn Văn Dương, kiểm ngư viên tàu 767 đang bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở khu vực Trung Quốc cắm giàn khoan Hải Dương - 981. Ảnh: Việt Nữ.

Chị Thủy cho biết chị làm kế toán cho một công ty du lịch nên ngày nghỉ của mọi người và của chồng lại là ngày làm việc của chị. Dịp nghỉ lễ 30/4, chị đã xin được nghỉ ngày 1/5 để cùng chồng con đi chơi, nhưng ngày ấy anh Dương lại phải trực bảo đảm 100% lực lượng. "Hôm sau anh tranh thủ về thì tôi lại đi làm, chiều anh nhận lệnh phải đi biển ngay. Và từ hôm ấy đến nay, tôi không liên lạc được với anh”, chị Thủy tâm sự. 

Người phụ nữ có vóc dáng bé nhỏ chia sẻ: “Chuyến này anh ấy đi không biết khi nào về, thường cứ đến thứ bảy là con trai tôi được nghỉ ở nhà chơi với bố. Nay bố đi biển, thứ bảy mẹ đi làm nên con phải đi học. Cháu buồn lắm bởi phải đi học nghĩa là bố không về…”.

Anh Dương từng có mặt trong nhiều chuyến đi biển đặc biệt. Năm 2012, khi đang công tác trên tàu Trường Sa 22, anh Dương đã nhận nhiệm vụ nhiều tháng bảo vệ tàu Bình Minh 02 trước hành vi cắt cáp của Trung Quốc. Đợt này cũng vậy, vợ anh nói: “Ba tôi là bộ đội thường xuyên xa nhà, giờ chồng tôi lại làm việc trên biển. Tôi đang ở với mẹ và con trai 5 tuổi. Có mẹ bên cạnh, tôi được đỡ đần nhiều”.

Dù không liên lạc được với chồng nhưng các chị vợ kiểm ngư viên ai cũng nắm rõ tình hình, diễn biến xảy ra tại khu vực Trung Quốc cắm giàn khoan Hải Dương 981 thông qua báo chí, truyền hình. “Khi nhìn thấy hình ảnh Bộ Ngoại giao công bố trong cuộc họp báo quốc tế, cho thấy tàu Việt Nam bị đâm húc, phun vòi rồng, em và gia đình lo lắm. Sau này, qua thông tin từ đồng đội, biết các lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển của mình kiên quyết bảo vệ chủ quyền nhưng tỉnh táo trước những hành vi hung hăng gây hấn của Trung Quốc, em đã vững vàng hơn”, vợ anh Xiêm tâm sự.

 
Ngày 1/5, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hạ đặt ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, huy động lúc cao điểm trên 80 tàu các loại cùng máy bay trực thăng, tàu quân sự bảo vệ giàn khoan. Các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam liên tục tiếp cận, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam, nhưng bị tàu Trung Quốc hung hăng đâm húc, va quệt gây hỏng tàu, làm một số kiểm ngư viên bị thương. Sự xâm lấn vô cớ của Trung Quốc đã dấy lên làn sóng phản đối của người dân Việt Nam. Từ ngày 11/5 đến nay, các cuộc tuần hành ôn hòa của nhiều thành phần nhân dân đã diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ba ngày qua, một số kẻ kích động đã lợi dụng tình hình kêu gọi công nhân biểu tình phản đối Trung Quốc dẫn đến bạo động, đập phá doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan... Hàng trăm kẻ quá khích, hôi của đã bị bắt. 

Theo Việt Nữ (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm