Tham gia diễn đàn có khoảng 80 cơ sở đào tạo ĐH trong và ngoài nước và sự tham gia của một số đại sứ quán, cơ quan chính phủ quốc tế. Dịp này, các cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế đã cùng nhau chia sẻ, báo cáo một số kinh nghiệm phục vụ cho quá trình hội nhập quốc tế.
Bên cạnh diễn đàn Giáo dục ĐH Việt Nam - châu Âu, ngày mai (4-11) triển lãm giáo dục ĐH châu Âu cũng sẽ được diễn ra.
Đây là các hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác khối năm 2016. Thể hiện sự cam kết thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác với những nền giáo dục ĐH hàng đầu thế giới, tạo điều kiện cho các trường ĐH Việt Nam và châu Âu xây dựng, phát triển chương trình hợp tác.
Từ đó kêu gọi, thúc đẩy xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực giáo dục Việt Nam trong bối cảnh nguồn vốn vay ODA sẽ chấm dứt vào năm 2018, cộng thêm việc viện trợ song phương cũng như nguồn học bổng của chính phủ các nước cấp đang ngày càng hạn hẹp.
Đại diện các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Bộ GD&ĐT.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết sự hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Âu còn khiêm tốn so với tiềm năng. Các trường ĐH Việt Nam, sinh viên Việt Nam chưa có nhiều thông tin về hệ thống các trường ĐH của các nước châu Âu trong khi đây là khu vực có nhiều trường ĐH danh tiếng, xếp thứ hạng rất cao trên thế giới mà bất kỳ sinh viên nào cũng mong muốn được học tập, nghiên cứu.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng mong muốn thông qua diễn đàn này các cơ sở giáo dục sẽ cùng trao đổi thẳng thắn về những ý tưởng của mình để tăng cường hợp tác giáo dục giữa các trường ĐH Việt Nam và các trường ĐH châu Âu.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT hy vọng sẽ được chứng kiến nhiều hơn những văn bản hợp tác được ký kết cùng những thành quả chất lượng cao của quá trình hợp tác đó.