Sáng 28-1, bước sang ngày làm việc thứ tư, Đại hội XIII tiếp tục thảo luận các văn kiện tại hội trường. Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, điều hành nội dung thảo luận.
Toàn cảnh phiên thảo luận các văn kiện Đại hội XIII của Đảng tại hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia sáng 28-1. Ảnh: TTXVN
Ba cấp độ trong chống tham nhũng
Tại phiên thảo luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường nhấn mạnh: “Phải hạn chế những kẽ hở trong thể chế để chống tham nhũng. Kinh nghiệm của Việt Nam và của nhiều quốc gia đều khẳng định muốn chống tham nhũng hiệu quả thì phải có cách làm cho các đối tượng “không dám””.
Song song với hoàn thiện thể chế, bịt các kẽ hở trong thể chế, theo ông Cường thì phải đồng thời nâng cao thu nhập chính đáng cho công chức, đặc biệt công chức làm trong lĩnh vực liên quan có thể xảy ra tham nhũng để họ không thể nại cớ vì khó khăn mà nảy sinh tham nhũng. “Đó chính là những cách, biện pháp để không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng nữa” - ông Cường nhấn mạnh.
Theo ông Cường, trong chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ và được thực hiện trên ba cấp độ. “Cấp độ một là cấp độ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc. Cấp độ hai là do Ban Nội chính Trung ương, là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Cấp độ ba là các vụ án, vụ việc được giao cho Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy” - Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương chia sẻ.
Đề cập đến những giải pháp phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn tới, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường cho biết Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo Ban Nội chính Trung ương tổ chức phối hợp với các ngành, các cơ quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKS, tòa án, Bộ Tư pháp, thanh tra cùng nhau nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế và xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính để phục vụ công tác này…
Để bảo vệ những người tố cáo tham nhũng, theo ông Trần Quốc Cường, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để bảo vệ những trường hợp này nhằm tăng phát hiện tham nhũng. Quy định đó đã được các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan phòng, chống tham nhũng nghiên cứu, triển khai, vận dụng. “Đó chính là về mặt cơ chế, luật pháp, quy định để bảo vệ người đấu tranh phòng, chống tham nhũng” - đại biểu Trần Quốc Cường nhấn mạnh.
Ngăn chặn tẩu tán, thu hồi ngay tài sản tham nhũng Đại biểu Trần Quốc Cường cho biết năm 2020, điểm khởi sắc nhất trong công tác phòng, chống tham nhũng chính là thu hồi tài sản. Theo đó, các cơ quan tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra đã tổ chức ngăn chặn tẩu tán và thu hồi tài sản tham nhũng ngay trong quá trình tố tụng, điều tra. Do đó, đã ngăn chặn, thu hồi và tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt rất cao so với thời kỳ trước... |
Nâng cao nêu gương, giảm tha hóa quyền lực
Tham luận của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương với chủ đề “Thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp” được ông Đỗ Việt Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, trình bày.
Mở đầu bài tham luận, ông Hà cho rằng nêu gương là yêu cầu bức thiết trong tình hình hiện nay. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải coi nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và đạo lý của mình và phải chuyển từ nhận thức, thái độ đúng đắn thành những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể.
Theo ông Hà, người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải tự giác, gương mẫu, phải tiên phong đi đầu trong việc nêu gương về đạo đức, lối sống, nâng cao khả năng tự “đề kháng” trước sự tác động, xâm nhập của các nhân tố độc hại từ bên ngoài. Cạnh đó, kiên quyết đấu tranh phòng, chống sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực. “Mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc, thường xuyên tự kiểm điểm bản thân, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh, không tranh công, đổ lỗi, dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm” - ông Hà nhấn mạnh.
Theo ông Hà, để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, để Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh” thì trách nhiệm nêu gương của người cán bộ, lãnh đạo phải được đề cao. “Trách nhiệm nêu gương không phải tự nhiên mà có, không phải tự nó tồn tại mà phải thông qua giáo dục, rèn luyện và các biện pháp, chế tài của Đảng và pháp luật. Khi nâng cao được trách nhiệm nêu gương sẽ góp phần hạn chế sự tha hóa quyền lực, nhất là lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi. Vì vậy, công tác giáo dục, trách nhiệm nêu gương, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong tình hình mới” - ông Đỗ Việt Hà nêu ý kiến.
Ông TRẦN TRUNG NHÂN, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai: Khuyến khích và bảo vệ cán bộ thực hiện “6 dám” Một trong những tâm đắc của tôi trong các dự thảo văn kiện trình đại hội lần này là các nhóm giải pháp về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có giải pháp Đảng khuyến khích và bảo vệ cán bộ thực hiện “6 dám”.
Trước đây, chúng ta thường nghe “3 dám”, là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Còn tại báo cáo chính trị lần này, Đảng khuyến khích và có giải pháp để bảo vệ những cán bộ dám nói, dám đổi mới sáng tạo và dám đương đầu với những khó khăn, thử thách. Dám nói ở đây là nói thẳng, nói thật, nói đúng, không cần nói nhiều. Và quan trọng nói là phải làm, đặc biệt là dám đương đầu, dám đột phá. Cái này mới là cái khó, nhất là trong điều kiện hệ thống pháp luật của nước ta chưa được hoàn thiện, còn nhiều khiếm khuyết. Như trong dự thảo Báo cáo chính trị cũng đã nêu là chưa đồng bộ, thậm chí có chồng chéo, có những vấn đề mới phát sinh nhưng pháp luật chưa kịp điều chỉnh. Hơn nữa, trong điều kiện mà cuộc đấu tranh chống tham nhũng của nước ta hiện nay rất quyết liệt, có một bộ phận nhỏ cán bộ có tâm lý e dè, ngại ngần, sợ sai trong thực thi công vụ của mình. Vì vậy, dự thảo Báo cáo chính trị lần này đặt ra “6 dám” như đã nêu. Tôi nghĩ đây là “liều thuốc” rất kịp thời, giúp cán bộ cởi bỏ tâm lý sợ sai của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Ông BÙI VĂN CƯỜNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk: Đảng ta đã hết sức chú trọng công tác cán bộ Có thể nói trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta đã hết sức chú trọng công tác cán bộ. Đầu tiên là việc Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành rất nhiều văn bản, quy định về công tác cán bộ, từ việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh, từ chức danh người cao nhất là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng cho đến các chức danh ở dưới.
Thứ hai, chúng ta đã làm quy hoạch cán bộ ở cấp chiến lược, điều mà trước đây chưa được thực hiện như vậy. Thứ ba, quy trình công tác cán bộ chúng ta làm năm bước rất chặt chẽ. Bên cạnh đó, lần đầu tiên chúng ta có quy định về chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Có thể nói một loạt quy định liên quan đến công tác cán bộ đã được triển khai thực hiện hết sức đồng bộ, bài bản. Nhờ đó góp phần xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đối với Đắk Lắk, chúng tôi cũng đã cụ thể hóa những quy định của Trung ương, của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư; đổi mới công tác đánh giá cán bộ và theo nguyên tắc như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Nếu chúng ta chọn được người giỏi thì đất nước và nhân dân được nhờ”. Hay như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nói “chọn người tài, không chọn người nhà”. Trong đổi mới công tác đánh giá cán bộ, ngoài việc đánh giá qua hồ sơ, quá trình công tác, đạo đức, phẩm chất còn có việc đánh giá bằng giả định anh vào vị trí ấy thì anh làm gì và làm như thế nào để cho ngành, lĩnh vực, địa phương phát triển. Ông ĐỖ ĐỨC DUY, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái: Công tác nhân sự được triển khai rất sớm, bài bản, thận trọng Công tác chuẩn bị cho nhân sự trình Đại hội XIII đã được Trung ương Đảng khóa XII triển khai từ rất sớm với cách làm bài bản, thận trọng, dân chủ, khách quan, tạo ra sự thống nhất, đoàn kết cao trong Đảng và sự tin tưởng tuyệt đối của các tầng lớp nhân dân.
Chúng ta đang trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và đặc biệt trong Nghị quyết Đại hội XIII cũng đề cập tới việc chúng ta tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong tiến trình đổi mới không thể tránh khỏi những vấn đề bất cập của cơ chế, chính sách, những vấn đề xảy ra trong thực tiễn cuộc sống mà hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật chưa điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Chính vì vậy, trong suốt nhiệm kỳ khóa XII đã đặt ra vấn đề này và nay đã đưa vào trong dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đó là Đảng cần có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Chúng tôi là những người lãnh đạo địa phương rất tâm đắc với chủ trương này của Trung ương Đảng mà tới đây sẽ được quyết nghị trong Đại hội XIII để những người lãnh đạo các địa phương sẽ tự tin hơn, vững tâm hơn khi mình dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám mạnh dạn đổi mới vì mục tiêu phát triển của địa phương cũng như của đất nước. ĐỨC MINH - NGHĨA NHÂN ghi |