Ngày 23-1, VWS có văn bản phúc đáp do Tổng Giám đốc Dương David Trung ký gửi các cơ quan chức năng nhằm làm rõ các nội dung đề cập trong Công văn 299.
Phù hợp với công suất thiết kế
Theo VWS, mục đích của việc điều chỉnh nâng công suất tiếp nhận rác lên thành 10.000 tấn/ngày là để phù hợp với công suất đã thiết kế, xây dựng của bãi chôn lấp công nghệ cao. Việc điều chỉnh này cũng không ảnh hưởng đến tổng khối lượng 24 triệu m3 của bãi chôn lấp công nghệ cao được Bộ KH&ĐT cấp giấy chứng nhận và Bộ Xây dựng thẩm định. Điều này đúng với quy định pháp luật và phù hợp với thực tế hoạt động hiện nay. Văn bản của VWS cũng nêu rõ: “Việc điều chỉnh chỉ là một thủ tục pháp lý, chứ không nhất thiết bắt buộc TP phải giao đủ 10.000 tấn rác/ngày cho VWS xử lý”.
Sau gần 10 năm chính thức hoạt động, tổng vốn đầu tư và vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước lên đến con số hơn 150 triệu USD. Ảnh: CTV
Theo công văn của UBND TP, VWS không xây dựng nhà máy phân loại, thu gom nguyên liệu tái chế công suất 2.500-3.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, VWS phân tích căn cứ nội dung hợp đồng đã ký, có ba thành phần mà TP phải giao cho công ty gồm rác phế liệu để phân loại, tái chế; rác hữu cơ để sản xuất phân compost; bãi chôn lấp rác công nghệ cao. VWS đã thực hiện đúng các cam kết của hợp đồng: bãi chôn lấp rác công nghệ cao đã đi vào hoạt động từ năm 2007, nhà máy phân loại tái chế đã hoàn thành từ năm 2010, nhà máy sản xuất phân compost năm 2011…
“Nhưng do TP không thực hiện được việc thu gom, phân loại rác tại nguồn giao cho VWS nên hai nhà máy trên mặc dù được đầu tư gần 20 triệu USD vẫn bị trùm mền từ nhiều năm nay” - văn bản của VWS nêu. Cũng theo văn bản này, “rác TP giao cho VWS là rác lẫn lộn các chất thải sinh hoạt hằng ngày, không có phế liệu để công ty phân loại và có nhiều chủng loại tạp chất gây ảnh hưởng sức khỏe người lao động, chỉ có thể chôn lấp theo công nghệ cao”. Đó là chưa kể nhiều hạng mục công trình khác công ty đã xây dựng mà không hề có doanh thu.
Giá hai bên thỏa thuận
Về đơn giá, công văn cho rằng VWS được trả mức giá cao hơn các dự án khác 3 triệu USD/năm. Thực tế giá này đã được tổ đàm phán liên ngành (gồm nhiều cơ quan chức năng của TP) thương thảo với công ty trước khi dự án chính thức được thực hiện. Đặc biệt, trong văn bản phúc đáp thể hiện: “Đây là dự án được đầu tư 100% bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, còn dự án ở Phước Hiệp là nguồn vốn do ngân sách TP đầu tư và thanh toán cho tiền xử lý rác nên không thể so sánh như nhau được”. Hơn nữa đơn giá còn căn cứ trên quy mô đầu tư kỹ thuật, công nghệ, xử lý, tiêu chuẩn… khác nhau nên giá thành xử lý rác phải có sự chênh lệch.
Văn bản của VWS còn cho rằng đơn giá xử lý rác đã được phía công ty giải trình với TP rất nhiều lần. “Là một doanh nghiệp Việt kiều được phái đoàn của TP.HCM sang Mỹ năm 2003 kêu gọi về TP đầu tư, giúp giải quyết bài toán nan giải về xử lý rác vào thời điểm đó và chúng tôi đã hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam về quê hương tham gia đầu tư, xây dựng, góp phần phát triển đất nước. Dự án xử lý chất thải là dự án được VWS thực hiện bằng cả tâm huyết của mình cho TP và hai chữ quê hương không chỉ thuần túy là lợi nhuận kinh tế” - ông Dương David Trung trình bày trong văn bản phúc đáp.