Trước đó, công ty VWS đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng của TP về việc điều chỉnh giấy phép đầu tư, theo hướng đề nghị nâng công suất xử lý rác lên 10.000 tấn/ngày (hiện đang xử lý 3.000 tấn/ngày) và xử lý toàn bộ chất thải rắn của TP.
Theo văn bản của UBND TP, nếu thực hiện theo đề nghị trên thì sẽ dẫn tới có dấu hiệu vi phạm điều cấm của Luật cạnh tranh. Cụ thể, lượng rác phát sinh tại TP.HCM là 6.700 tấn/ngày, công ty VWS đang xử lý khối lượng rác 3.000 tấn/ngày (chiếm 45% thị trường xử lý chất thải rắn của TP) và như vậy công ty VWS được xem là có vị trí thống lĩnh thị trường. Việc công ty VWS đề nghị nâng công suất lên 10.000 tấn/ngày và xử lý toàn bộ chất thải rắn của TP sẽ dẫn đến độc quyền trong lĩnh vực xử lý chất thải, làm ảnh hưởng đến quyền được cạnh tranh của DN khác.
Trường hợp công ty VWS được thực hiện chính thức chủ trương chuyển khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thêm 2.000 tấn/ngày từ khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP.HCM về khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước thì sẽ được xử lý lượng rác là 5.000 tấn/ngày trong tổng số 6.700 tấn (khoảng 75%) lượng rác của TP.HCM. Từ đây, TP.HCM cho rằng công ty VWS có dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh.
Văn bản của UBND TP nêu: Việc tăng công suất cho khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước của công tyy VWS có thể dễ dẫn đến việc công ty này thực hiện hành vi thống lĩnh thị trường để áp đặt giá, vi phạm điều cấm của Luật cạnh tranh. Và nếu so với mức giá phải trả cho các DN hiện nay, TP phải trả thêm 10 triệu USD/năm khi khu liên hợp của VWS tăng công suất lên 10.000 tấn/ngày.
Cũng theo văn bản của UBND TP, để có cơ sở xem xét điều chỉnh giấy phép đầu tư cho công ty VWS theo đúng Luật cạnh tranh và tiết kiệm ngân sách, UBND TP giao Sở KH-ĐT soạn thảo văn bản của UBND TP gửi Bộ Công Thương có ý kiến. UBND TP cũng đề nghị công ty VWS lập hồ sơ điều chỉnh thiết kế cơ sở dự án khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước gửi cho Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt. Đồng thời gửi hồ sơ đánh giá tác động môi trường cho Bộ tài nguyên-môi trường thẩm định…
UBND TP cũng kết luận về giá xử lý rác của công ty VWS. Theo đó, công ty VWS không xây dựng và điều hành nhà máy phân loại thu gom nguyên liệu tái chế và tái sử dụng chất thải công suất 2.500-3000 tấn/ngày theo quy định của giấy phép đầu tư ngày 28-12-2005. Thay vào đó công ty này đang vận hành bãi chôn lấp rác với công suất 2.500-3.000 tấn/ngày. Mặc dù VWS không xây dựng nhà máy xử lý mà chỉ chôn lấp rác nhưng công ty này vẫn được thanh toán chi phí xử lý rác giá cao hơn các DN khác cũng thực hiện việc chôn lấp. Thời điểm hiện nay, TP thanh toán cao hơn 3 đô la/tấn so với DN khác (TP.HCM phải trả nhiều hơn cho VWS 3 triệu USD/năm). |