Nghị định 100/2019 có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 xử phạt rất nghiêm với người vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc chế tài nặng cần có thêm nhiều giải pháp khác như kiểm soát quảng cáo cũng như tăng thuế rượu, bia.
Đánh mạnh vào túi tiền
Từ đầu năm 2019, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các cơ quan liên quan gấp rút chuẩn bị đề án đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu riêng trên địa bàn TP. Đây là một trong những nội dung nằm trong lộ trình thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Theo nghị quyết này, HĐND TP.HCM được đề xuất Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Mức tăng thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành.
Luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, nhận định rằng đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu sẽ được người dân đồng tình. Bởi tăng thuế vừa tăng thu ngân sách, người dân bớt nhậu nhẹt, góp phần giảm thiểu những gánh nặng về y tế, giảm tai nạn giao thông, nâng cao thể chất cho người dân.
“Khi thuế tiêu thụ đặc biệt phải đóng cao hơn thì giá bia, rượu cũng tăng lên. Giá đắt đỏ thì lượng tiêu thụ bia, rượu sẽ giảm bớt, người tiêu dùng sẽ giảm bớt mua vì ảnh hưởng túi tiền của họ. Riêng với bia, rượu nhập khẩu cũng phải đánh thuế nhập khẩu cao hơn để hạn chế lượng rượu, bia nhập về” - ông Xoa phân tích.
Anh Việt Dũng, nhà ở quận 3, TP.HCM cũng ủng hộ TP đề xuất tăng thuế rượu, bia. “Tôi đi nhiều nước thì thấy giá bia, rượu cao hơn Việt Nam rất nhiều; uống cũng có khu riêng, vi phạm là bị phạt nhiều tiền nên dân chấp hành nghiêm. Giá rượu, bia phải đắt thì người dân mới giảm nhậu hoặc nhậu cho vui chứ không có kiểu nhậu thả cửa như hiện nay” - anh Dũng chia sẻ.
TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cũng chỉ ra nguyên nhân tiêu thụ bia, rượu tăng vì ở Việt Nam giá vẫn rẻ do thuế thấp. Hiện tại, thuế đối với rượu, bia ở Việt Nam chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều quốc gia khác, thuế dao động 40%-85% giá bán lẻ.
Từ thực tế trên, đại diện WHO khuyến nghị Chính phủ nên giảm khả năng chi trả của người mua bia và rượu bằng cách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Giảm số người trẻ tuổi tiếp xúc với rượu, bia thông qua việc hạn chế quảng cáo rượu, bia trên các phương tiện truyền thông. Giảm sự sẵn có của rượu, bia bằng cách giới hạn thời gian, địa điểm và độ tuổi cho phép tiếp cận rượu, bia. Tăng cường hơn nữa việc thực thi kiểm soát tài xế uống rượu, bia.
Người dân nhậu tại một quán trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG
CSGT đo nồng độ cồn của tài xế ở quận 2, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Đánh giá tác động nhiều mặt
Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, cho biết với cơ chế đặc thù TP có thể tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, rượu. Nguồn thu từ việc tăng thuế có thể dùng để phục vụ công tác xử lý môi trường ô nhiễm, phát triển hạ tầng, giải quyết nạn kẹt xe, tăng an sinh xã hội cho người dân, chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách.
Theo số liệu Bộ Y tế đã công bố cho thấy tỉ lệ người Việt Nam uống rượu, bia thuộc hàng cao nhất thế giới với hơn 80% nam giới và gần 12% nữ giới. Tốc độ tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam tăng phi mã và vượt mọi dự đoán khi năm 2018 đã đạt gần 4,7 tỉ lít bia. |
Bàn về mức thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Thắng đưa ra trường hợp nếu tăng lên mức 100% thì người tiêu dùng sẽ phải suy xét khi mua vì lạm dụng rượu, bia vừa không tốt cho sức khỏe mà lại tốn nhiều tiền. Tuy nhiên, theo ông Thắng, không nên chỉ áp dụng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt riêng tại TP.HCM mà Nhà nước có chủ trương chung tăng thuế trên đối với rượu, bia áp dụng trên toàn quốc. Bởi khi làm như vậy thì sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý thuế.
Trong khi đó, ông Chung Thành Tiến, Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam, đề xuất nếu muốn tăng thuế với sản phẩm này, TP cần lập phương án rõ ràng, cụ thể trước khi thực hiện để tránh trường hợp quy định thì có mà không áp dụng được. Đặc biệt tất cả khoản thu chi từ nguồn thuế này phải rõ ràng, minh bạch thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ.
“TP cần có báo cáo đánh giá tác động cụ thể của đề xuất tăng thuế, trong đó có thể thuê một tổ chức độc lập đánh giá các tác động nhiều mặt. Trên cơ sở đó đưa ra quyết định phù hợp cũng như thuyết phục doanh nghiệp và người dân” - ông Tiến nói.
Công ty bia nói gì? Ông Mikio Masawaki, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sapporo Việt Nam, cho biết hiện tại công ty chưa biết nội dung chi tiết của đề án đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia nên không thể đưa ra ý kiến cụ thể. Tuy nhiên, theo ông Mikio Masawaki, tại một số quốc gia, cơ quan chức năng thường tập trung nhiều vào việc tăng cường quản lý và kiểm soát nhằm hạn chế các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cạnh tranh quá mức giữa các công ty trong ngành bia, rượu. Bên cạnh đó, đưa ra các quy định nhằm bảo đảm chất lượng và tính an toàn của sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng là yếu tố được quan tâm rất lớn. “Chúng tôi hy vọng các cơ quan quản lý tại Việt Nam sẽ ưu tiên cân nhắc các giải pháp như trên đây, nhằm giúp đưa thị trường phát triển lành mạnh, bền vững hơn là chú trọng vào các giải pháp quản lý về mặt tài chính” - ông Mikio Masawaki nói. Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam, thì cho rằng TP.HCM cần đánh giá cụ thể các tác động của đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, cần xác định đối tượng áp thuế là nhà sản xuất hay là ở khâu thương mại. “Việc áp dụng tăng thuế với khâu sản xuất có thể phản tác dụng vì doanh nghiệp sản xuất có thể sẽ dời cơ sở sản xuất sang địa phương khác. Còn nếu thuế tăng ở khâu thương mại, TP.HCM sẽ có hai giá bia cho loại “cơ chế đặc thù” và loại không đặc thù từ các tỉnh xâm nhập vào TP.HCM, khi đó rất khó quản lý. Điều này chắc chắn cũng sẽ gây ra sự phức tạp trong quản lý thị trường cũng như công tác quản lý thuế” - ông Việt nêu quan điểm. |