‘Tăng trưởng trên 2% là sự cố gắng lớn’

Sáng 2-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) khóa XIV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, QH họp phiên toàn thể tại hội trường mở đầu đợt hai. Sau đó QH đã thảo luận tại các tổ về tình hình kinh tế - xã hội, dự toán, phân bổ ngân sách...

Điểm sáng tăng trưởng 2,12%

Tại các tổ thảo luận, ý kiến chung của các đại biểu QH đều cho rằng trong bối cảnh ảnh hưởng nặng bởi thiên tai, dịch COVID-19 thì con số tăng trưởng dương 2,12% của kinh tế trong 10 tháng qua là điểm sáng…

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết năm nay nước ta chịu nhiều biến động bất thường do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, khi thảo luận về kinh tế - xã hội thì nên tránh “trầm trọng hóa” vấn đề mà cần phải xem xét tổng thể để tìm ra giải pháp vừa khắc phục hậu quả của thiên tai, đại dịch và vừa ứng phó với những diễn biến mới.

Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai nhưng Việt Nam là một trong rất ít những quốc gia có kinh tế tăng trưởng dương trên 2% là sự cố gắng lớn. “Khiêm tốn mà nói thì chúng ta rất cố gắng và thành công bước đầu trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa tập trung phát triển kinh tế, sản xuất bình thường, vừa chống dịch” - bà nói.

Cạnh đó, Chủ tịch QH cho rằng tại kỳ họp này khi bàn về tình hình kinh tế - xã hội thì QH cần bàn giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai của các tỉnh miền Trung và bàn về kế hoạch ngân sách 2020-2021, phải dành nguồn lực phân bổ ngân sách địa phương, ngân sách trung ương.

“Có thể nói năm nay chúng ta có nhiều thành công, cố gắng duy trì từ nay đến cuối năm sao cho tốc độ tăng trưởng dương được 3% thì tốt và hạn chế đến mức thấp nhất việc thất thu cho ngân sách nhà nước vì phải miễn giảm thuế” - Chủ tịch QH nói.

Theo Chủ tịch QH, trước mắt Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ lương thực, thuốc men để không xảy ra dịch bệnh, người dân không bị đói sau bão lũ, cần khôi phục, sửa chữa nhà cửa, trường học, trụ sở làm việc, giảm bớt khó khăn cho người dân, bố trí nơi ăn ở tạm trú, cùng với đó là tiếp tục tìm kiếm, cứu nạn nạn nhân sạt lở đất, nạn nhân trên biển.

Về lâu dài, Chủ tịch QH cho rằng Chính phủ phải chỉ đạo rà soát các kịch bản biến đổi khí hậu để điều chỉnh, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, đánh giá nguy cơ tổn thương thiên tai mang lại để dự kiến nguồn lực ứng cứu, lồng ghép nội dung phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển của năm 2021 và của cả giai đoạn năm năm tới.

Chủ tịch QH cũng đề nghị nhanh chóng quy hoạch sắp xếp dân cư ra khỏi khu vực nguy cơ chịu ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất; phải có chương trình di dân ra khỏi vùng thiên tai, không để lặp lại những trường hợp như Trà Leng, thủy điện Rào Trăng 3. Trên cơ sở ý kiến của QH, Chính phủ phải chủ động thực hiện và hằng năm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương phải chú ý nhiệm vụ này.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Cần nhanh chóng quy hoạch sắp xếp dân cư ra khỏi khu vực nguy cơ chịu ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất. Ảnh: QH. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bão, lũ hoành hành ở miền Trung là thiên tai lịch sử, đã gây thiệt hại rất lớn về người và của, làm giảm GDP. Ảnh: VTC

Giữ niềm tin, tăng cường kỷ luật, kỷ cương

Phát biểu thảo luận tại tổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra đánh giá dịch COVID-19 làm thế giới điêu đứng, chưa bao giờ có cuộc khủng hoảng lớn như vậy, đại dịch đã làm thế giới như dừng lại. Việt Nam dù bị ảnh hưởng nặng nhưng đã nỗ lực rất lớn để ngăn chặn đại dịch, duy trì hoạt động sản xuất bình thường.

Thủ tướng cho biết mặc dù khao khát phát triển rất lớn nhưng Chính phủ quyết định chưa thể mở cửa, đón khách du lịch vào Việt Nam. “Nếu bình thường, năm nay đón 21 triệu khách du lịch quốc tế, ta sẽ có doanh thu trên 60 tỉ USD nhưng năm nay nguồn thu này gần như bằng không. Nhưng chúng ta chấp nhận để bảo vệ sức khỏe nhân dân, chấp nhận để kiểm soát tốt dịch. Từ nay đến cuối năm 2020, Chính phủ vẫn quyết không đưa khách du lịch nước ngoài vào dù việc này bị phản đối, có ý kiến trái chiều” - Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho hay Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện đưa nhà đầu tư, nhà ngoại giao, nhà quản lý, công nhân lành nghề vào làm việc và có kiểm soát chặt, cách ly tốt.

16 loại hình thiên tai đã diễn ra trên nước ta từ đầu năm đến nay. Theo Chủ tịch QH, trong đó có 10 cơn bão từ Biển Đông, 263 trận giông lốc mưa lớn, có đến 49/63 tỉnh, TP xảy ra thiên tai các loại, 15 trận lũ lớn, sạt lở đất, 72 trận mưa lớn gây ngập úng, lũ, đặc biệt là đợt lũ lụt miền Trung vừa qua; 79 trận động đất, trong đó gần đây nhất là ngày 27-7 tại Mộc Châu, có cường độ lên đến 5,3 độ Richter.

Cạnh đó, đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục bị ngập mặn kéo dài, mặn xâm nhập sâu và tình trạng sạt lở bờ sông. Trước tình hình đó, Đảng, QH, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương đã nỗ lực phòng, chống thiên tai. 

Cũng theo Thủ tướng, Chính phủ rất coi trọng phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Việt Nam là một trong hai nước khu vực châu Á Thái Bình Dương năm nay có tăng trưởng dương, cùng với Trung Quốc. Ở ASEAN, Việt Nam là nước duy nhất tăng trưởng dương, trong khi Thái Lan âm hơn 8,5% dù chính sách tài khóa họ bơm ra hơn 80 tỉ USD. Còn tài khóa của Việt Nam chỉ bơm ra mấy chục triệu USD, rất tiết kiệm. Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi tốt nhất hiện nay. “Đến nay, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô nền kinh tế Việt Nam vượt Malaysia năm 2019 và vượt Singapore năm 2020” - Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng chúng ta phải có khát vọng vươn lên để phát triển tốt, không để tình trạng quy mô nền kinh tế thấp. Từ đó, niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước rất lớn. “Niềm tin rất quan trọng, mất niềm tin là mất tất cả. Phải cố giữ lấy niềm tin ở dân bằng tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng thật sự nghiêm khắc!” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, khó khăn như hụt thu gần 200.000 tỉ đồng; doanh nghiệp còn gặp khó khăn, nhiều người mất việc làm. Gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng làm chưa tốt; gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do COVID-19 cũng triển khai chậm… Đặc biệt, bão, lũ hoành hành ở miền Trung là thiên tai lịch sử, đã gây thiệt hại rất lớn về người và của, làm giảm GDP. Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ đang có chương trình khắc phục hậu quả bão, lũ quyết liệt, chỉ đạo cụ thể hơn. Chính phủ hỗ trợ cho người dân xây lại nhà ở. “Chính phủ sẽ báo cáo QH các biện pháp khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền Trung. Trước mắt ứng phó cơn bão số 10 hiệu quả” - Thủ tướng nói.

Cảnh giác trước đợt dịch thứ ba

Bên cạnh đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của năm 2020, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ dù Việt Nam cơ bản thành công trong khống chế dịch nhưng gần đây nhiều địa phương, cơ quan, người dân đang có xu hướng chủ quan trước đại dịch COVID-19. Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu chúng ta chủ quan có thể sẽ dẫn đến quay trở lại đợt ba của đại dịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý không thể chủ quan trước dịch COVID-19 vì đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều nước châu Âu tiếp tục đóng cửa.“Chúng ta đã qua hơn 125 ngày không có dịch, rất mừng nhưng dịch có thể quay lại bất cứ lúc nào” - Thủ tướng nói.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế) cho rằng chúng ta đã chống dịch COVID-19 có hiệu quả. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá đúng mức, xem mức độ ảnh hưởng như thế nào, chẳng hạn lĩnh vực dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng quá lớn, kéo theo hàng loạt dịch vụ khác như hàng không, khách sạn… “Mức độ ảnh hưởng trải dài từ Quảng Ninh đến Cà Mau. Nhưng vẫn đang có cái gì đó chủ quan và lạc quan. Dịch bệnh COVID-19 các nước vẫn tăng dần, còn chúng ta thế nào? Dịch bao giờ mới chấm dứt? Chính phủ cần có kịch bản chi tiết, rõ ràng về việc này. Dập dịch tốt rồi nhưng vấn đề kinh tế, an ninh, an toàn xã hội tôi vẫn lo ngại” - ông Nghĩa cho hay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm