Vậy xử lý nghiêm là sao: Kỷ luật, xử phạt hành chính hay sẽ áp dụng mức chế tài cao nhất là truy cứu trách nhiệm hình sự?
Sở dĩ phải hỏi như thế vì hình phạt của cô giáo dành cho học trò của mình quá phản giáo dục và quá tàn nhẫn! Để trừng trị em về lỗi nói tục, cô giáo đã bắt các bạn cùng lớp tát em liên tiếp, mỗi em buộc phải tát mạnh đủ 10 cái như lời phản ảnh của các em. Cộng với cái vung tay sau chót của cô, học sinh trên đã bị tát đến 231 cái! Hậu quả là em phải nhập viện trong tình trạng hai má thâm đen, sưng tấy, khó nhai nuốt. Xuất viện sau ba ngày điều trị nhưng em chưa đi học lại do tâm lý không ổn định.
Ngoài ra, có thông tin cho rằng trước đó cô giáo này từng phạt 10 học sinh khác tổng cộng 670 tát tai, cũng bằng hình thức bắt các học trò của mình ra tay với bạn mắc lỗi. Lý giải hành động của mình, cô giáo trên cho rằng do bản thân bị áp lực. Trường của cô đang xây dựng chuẩn mức độ II với nhiều tiêu chí thi đua nhưng lớp cô thường xuyên ở cuối bảng.
Cứ cho là bị sức ép của bệnh thành tích nhưng không thể vì thế mà cô giáo không chỉ tự hành động mà còn cưỡng ép các học sinh khác giở trò bạo lực với bạn mình tựa như đánh hội đồng. Chi tiết hơn, để trị một trò sai thì cô đã bày cho mấy chục trò hè nhau xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự trò khác. Đó lại là những học trò chưa đủ hiểu biết, chưa đủ tuổi để phân định đúng, sai và để chịu trách nhiệm về việc làm của bản thân! Vì lẽ này mà tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả do cô gây ra cần phải được nhận định là cao gấp nhiều lần những trường hợp vi phạm của các thầy, cô giáo khác.
Phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh đã quyết định tạm đình chỉ công việc của cô giáo đó. Theo dự kiến của hiệu trưởng thì nhà trường sẽ kỷ luật cô giáo. Bởi lẽ rất dễ thấy ngay là cô đã vi phạm các quy định nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề giáo. Tuy nhiên, khi hành vi của cô khá nghiêm trọng và còn có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật thì hình thức chế tài đó liệu có phù hợp?
Có ý kiến cho là cô giáo đã có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học được quy định ở khoản 2 Điều 21 Nghị định 138/2013. Mức xử phạt hành chính cho hành vi này là phạt tiền 5-10 triệu đồng. Đồng thời, người vi phạm còn bị xử phạt bổ sung là đình chỉ giảng dạy 1-6 tháng.
Cũng có nhiều ý kiến cho là hành vi của cô đã vượt quá mức vi phạm hành chính nên phải bị xử lý hình sự mới thích đáng. Tùy theo tính chất, mức độ tổn hại về sức khỏe của nạn nhân mà cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS 2015.
Trong trường hợp tỉ lệ tổn thương sức khỏe không đáng kể thì cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS 2015 do đã có hành vi đối xử tàn ác, gây ra sự đau đớn về thể xác và tinh thần cho người lệ thuộc mình. Tội này có mức phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm và đã được nhiều lần áp dụng đối với những trường hợp cô giáo (bảo mẫu) hành hạ trẻ xảy ra ở nhiều địa phương.
Hình thức chế tài nào là xác đáng nhất để không còn những trường hợp vi phạm tương tự gây phẫn nộ cho cộng đồng? Tôi cho rằng công an địa phương không nên để mặc cho các cơ quan giáo dục tự xử mà phải kịp thời xem xét vụ việc và nếu thấy có đủ căn cứ truy cứu thì quyết định ngay. Làm được vậy thì những cá nhân không có đủ tố chất làm nghề cao quý dạy người mới biết chùn tay và thôi không lỗi đạo gây họa cho các trò không chỉ ở hiện tại mà còn về lâu dài.
Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn Luật sư TP.HCM