Tàu hỏa liên tiếp trật đường rây, vì sao?

“Hiện nay, trên toàn mạng đường sắt quốc gia Việt Nam có tổng số 91 ga được lắp đặt thiết bị tín hiệu điện khí tập trung thuộc nhiều dự án, trong đó đáng chú ý là ba dự án của Trung Quốc (TQ) và Pháp” - ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), mở đầu khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Chỉ sử dụng thiết bị Trung Quốc, Pháp?

. Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về chức năng của những hệ thống tín hiệu ga này?

+ Ông Đoàn Duy Hoạch: Chức năng của các hệ thống thiết bị tín hiệu ga là điều khiển, giám sát, quay ghi, lập đường chạy và mở tín hiệu chạy tàu. Hệ thống do trực ban chạy tàu điều khiển tập trung tại phòng trực ban chạy tàu. Trên nguyên tắc an toàn, các hệ thống tín hiệu tự động chỉ mở tín hiệu cho tàu chạy sau khi đã kiểm chứng trạng thái tất cả điều kiện an toàn cho đường chạy của tàu đã được đảm bảo, khóa chặt và duy trì trong suốt quá trình tàu chạy qua.

Các thiết bị tín hiệu điều khiển chạy tàu được xếp vào loại thiết bị an toàn cấp cao, được kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn khắt khe. Trong thị trường thiết bị tín hiệu thế giới, chỉ có một vài quốc gia có đường sắt phát triển mới có đủ khả năng sản xuất, lắp đặt thiết bị tín hiệu như Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Nga, TQ…

. Vừa qua, dư luận đặt vấn đề tại sao ngành đường sắt sử dụng thiết bị của TQ, Pháp mà không phải một quốc gia khác? Việc đấu thầu các thiết bị này như thế nào, thưa ông?

+ Tất cả dự án đầu tư mới hệ thống tín hiệu là các dự án ODA sử dụng nguồn vốn của nhà tài trợ. Khi sử dụng nguồn vốn này đều có các điều kiện ràng buộc nhất định. Trong đó, dự án Hà Nội-Vinh yêu cầu nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, dịch vụ từ Pháp tối thiểu 85% so với nguồn vốn cho vay. Dự án này được đấu thầu giữa các nhà thầu Pháp. Tương tự, hai dự án sử dụng nguồn vốn ODA TQ là ba tuyến đường sắt phía Bắc cùng khu đầu mối Hà Nội và đoạn Vinh-Sài Gòn cũng vậy. Theo yêu cầu của nhà tài trợ, điều kiện cho vay vốn là phải xác định doanh nghiệp TQ thực hiện dự án. Theo đó, xuất xứ hàng hóa và dịch vụ chủ yếu từ TQ. Hai dự án này nhà thầu đã được xác định trong hiệp định vay vốn giữa hai quốc gia.

Sự cố tàu trật đường ray xảy ra tại ga Yên Viên (Hà Nội) ngày 14-8 . Ảnh: VIẾT LONG

. Hiện có thông tin cho rằng hệ thống tín hiệu ga đang gặp trục trặc làm tăng nguy cơ tàu lửa tông nhau. Thông tin này chính xác tới đâu?

+ Nguyên tắc cơ bản thiết kế hệ thống tín hiệu ga nói chung là phải đảm bảo an toàn. Hệ thống tín hiệu ga được trang bị các thiết bị phát hiện vị trí của đoàn tàu để loại bỏ tất cả đường chạy tàu có khả năng gây mất an toàn với đường chạy đón gửi tàu do trực ban chạy tàu lựa chọn. Do vậy, không thể dẫn đến nguy cơ các đoàn tàu đụng nhau. Chúng tôi đã có văn bản phản hồi những thông tin đã đưa liên quan việc này.

Vụ hai đoàn tàu suýt đâm nhau

Lúc 1 giờ 36 ngày 14-7, tàu khách SQN 2 (từ TP.HCM đi Quy Nhơn) vào ga Suối Vận (Bình Thuận) để tránh tàu SE1 (từ Hà Nội đi TP.HCM). Trực ban chạy tàu ga Suối Vận đón tàu SQN2 vào đường số 2, sau đó lại tiếp tục đón tàu SE1 vào đường số 2. Lái tàu SE1 đã phát hiện kịp và cho dừng tàu cách tàu SQN2 khoảng cách 80 m. Sự cố chưa gây thiệt hại.

Nguyên nhân xảy ra sự cố được kết luận là do trực ban chạy tàu ga Suối Vận không phổ biến kế hoạch tránh vượt tàu cho gác ghi. Trong lúc ngồi chờ để đón tàu, trực ban đã ngồi ngủ thiếp. Khi tàu SE1 đến mới nghe chuông, vội vã đón tàu theo phản xạ. Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn đã đình chỉ công tác và đề nghị sa thải nhân viên trực ban chạy tàu, cách chức trưởng ga, khiển trách một số cá nhân khác.

Tuy nhiên, đúng là trong thời gian qua có xảy ra sự cố chạy tàu tại một số ga lắp đặt thiết bị tín hiệu điện khí, chủ yếu xảy ra trong quá trình dồn và dịch chuyển tàu. Cụ thể từ năm 2015 đến nay, ghi nhận tại ga Sông Lòng Sông một vụ, ga Yên Viên một vụ, ga Giáp Bát ba vụ, ga Đông Anh một vụ và ga Trảng Bom một vụ. Riêng tại ga Văn Điển và ga Suối Vận có hai vụ khi đang tổ chức đón gửi tàu. Qua phân tích cho thấy nguyên nhân dẫn đến các sự cố chạy tàu nói trên không phải do lỗi của thiết bị tín hiệu ga mà do lỗi chủ quan của người sử dụng, chưa tuân thủ theo quy trình vận hành thiết bị tín hiệu.

. Như ông nói thì hệ thống tín hiệu không có lỗi mà lỗi thuộc về con người, vậy ngành đường sắt sẽ phải khắc phục như thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đoàn tàu?

+ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc hướng dẫn điều khiển, quy tắc, quy trình liên quan đến hệ thống thiết bị tín hiệu ga. Rà soát các quy định trong quy tắc quản lý kỹ thuật ga cho phù hợp với thực tế thiết bị tại các ga… Chúng tôi cũng lắp đặt hệ thống camera giám sát tại phòng trực ban chạy tàu, ghi hình các hoạt động trên đài điều khiển, màn hình điều khiển để giám sát các hoạt động của trực ban chạy tàu.

. Xin cám ơn ông.

Ba dự án hệ thống tín hiệu ga đáng chú ý

Dự án đầu tiên là hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Hà Nội-Vinh, tuyến đường sắt Thống Nhất, sử dụng nguồn vốn ODA của Pháp. Hệ thống tín hiệu được đầu tư trong dự án này sử dụng công nghệ của hãng Alstom (Pháp), được lắp đặt tại 34 ga thuộc khu đoạn Hà Nội-Vinh. Dự án hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2016.

Dự án thứ hai là hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt ba tuyến phía Bắc và khu đầu mối Hà Nội, giai đoạn 1. Hệ thống tín hiệu được đầu tư trong dự án này là của TQ, được lắp đặt tại 22 ga.

Thứ ba là dự án hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Vinh-Sài Gòn, tuyến đường sắt Thống Nhất, giai đoạn 1. Hệ thống tín hiệu được đầu tư tương tự như dự án hai, được lắp đặt tại 30 ga thuộc khu đoạn Nha Trang-Sài Gòn, tuyến đường sắt thống Nhất. Cả hai dự án này đều dùng vốn ODA của TQ và đưa vào sử dụng năm 2014.

Ngoài ba hệ thống kể trên, các ga trên mạng đường sắt Việt Nam còn sử dụng các hệ thống tín hiệu khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới