Theo tạp chí National Interest, những hình ảnh đầu tiên về loại tên lửa mới này, vốn được gắn dưới cánh chiến đấu cơ J-16 của không quân Trung Quốc, bắt đầu lộ diện trong tháng 11-2016. Theo đó, máy bay chiến đấu J-16 được cho là đã phóng thành công ít nhất một trong các quả tên lửa không đối không tầm siêu xa này.
Trung Quốc thời gian gần đây đã phát triển các tên lửa không đối không với tốc độ nhanh không kém các chương trình phát triển máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, việc chế tạo và thử nghiệm loại tên lửa mới này là một điều gây bất ngờ.
Giới quan sát quốc tế thậm chí còn không biết người Trung Quốc gọi loại tên lửa mới này chính xác bằng tên gì, chỉ tạm gọi loại tên lửa này là VLRAAM.
Chiến đấu cơ J-16 của Trung Quốc. Ảnh: newsx.com
Mặc dù các thông số kỹ thuật của tên lửa mới vẫn chưa được tiết lộ nhưng dựa vào các hình ảnh bị rò rỉ, các chuyên gia quân sự đã đánh giá các thông tin liên quan.
Theo đó, chiều dài của tên lửa VLRAAM gần bằng 1/3 chiều dài của chiến đấu cơ J-16. Như vậy, tên lửa mới này có chiều dài khoảng 6 m với đường kính khoảng 0,3 m.
Theo tính toán, tên lửa mới của Trung Quốc có thể còn vượt trội hơn về kích thước so với tên lửa không đối không lớn nhất của quân đội Mỹ hiện nay là tên lửa không đối không tầm trung tối tân AIM-120 hay còn gọi là AMRAAM.
AIM-120 có chiều dài khoảng 3,6 m và có đường kính khoảng 12,7 cm, nhỏ hơn nhiều so với tên lửa VLRAAM của Trung Quốc. Tầm bắn tối ta của AIM-120D, phiên bản mới nhất của AIM-120, là 145 km.
National Interest nhận định tên lửa mới của Trung Quốc gần giống với tên lửa không đối không K-100 của Nga. Về lý thuyết, tên lửa Nga có thể tấn công các mục tiêu ở cự ly 400 km nhưng hiện nay đã cho dừng phát triển sau 25 năm.
Để đạt được tầm bắn siêu xa, tên lửa VLRAAM của Trung Quốc được cho là sử dụng loại động cơ mạnh mẽ mà có thể đạt tới tốc độ “siêu thanh” lên tới Mach 6 (khoảng 7.300 km/giờ), nhanh gấp rưỡi so với tốc độ của tên lửa AIM-120D.
Được máy bay chiến đấu cơ phóng từ độ cao hơn 15 km, tên lửa tầm siêu xa của Trung Quốc có thể vượt lên độ cao tới gần 30 km trước khi bay lượn trong không trung hơn 160 km rồi hạ dần độ cao và bắn trúng mục tiêu, theo nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí Popular Science của Trung Quốc.
Ngoài ra, tên lửa mới của Trung Quốc có thể được trang bị radar quét điện tử chủ động với cảm biến quang học cho phép tấn công mục tiêu chính xác hơn.