Tên lửa Taurus được gọi tên trong đoạn ghi âm rò rỉ của không quân Đức đáng gờm thế nào?

(PLO)- Vụ rò rỉ đoạn ghi âm được cho là có nội dung rằng Đức sẽ gửi tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine đang khiến quan hệ Berlin và Moscow dậy sóng. Vậy tên lửa Taurus nguy hiểm đến mức nào và liệu Đức sẽ chuyển giao chúng cho Kiev?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Căng thẳng Nga-Đức đang leo thang nghiêm trọng sau vụ rò rỉ đoạn ghi âm về cuộc hội thoại được cho là của các sĩ quan quân đội Đức bày mưu giúp Ukraine tập kích cầu Crimea. Trong đoạn hội thoại, các sĩ quan Đức nêu khả năng chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa Taurus để Kiev tấn công mục tiêu Nga.

Nga từ lâu xem việc chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine là lằn ranh đỏ và đã cảnh báo rằng các nhà máy sản xuất tên lửa Taurus của Đức sẽ là mục tiêu tấn công hợp pháp của quân đội Nga nếu việc chuyển giao tên lửa diễn ra.

Vậy tên lửa Taurus - trọng tâm của vụ căng thẳng Nga-Đức - có gì đáng chú ý?

Tên lửa Taurus - vũ khí trọng tâm trong căng thẳng Nga-Đức - đáng gờm thế nào?
Tên lửa hành trình tầm xa Taurus của Đức. Ảnh: AFP

Tên lửa hiện đại bậc nhất của Đức

Theo hãng tin Deutsche Welle (DW, Đức), tên lửa Taurus KEPD-350 là một trong những hệ thống vũ khí hiện đại nhất của quân đội Đức. Tên lửa dài 5 m, nặng 1,4 tấn và di chuyển với tốc độ lên tới 1.170 km/giờ (gần bằng tốc độ âm thanh).

Tên lửa Taurus của Đức tương tự như tên lửa Storm Shadow của Anh và SCALP của Pháp về trọng lượng, kích thước và tốc độ bay. Tuy nhiên, có một sự khác biệt đáng kể khiến tên lửa Đức hiệu quả và mạnh mẽ hơn đó là Taurus sở hữu động cơ phản lực cánh quạt thay vì động cơ phản lực thông thường, giúp đẩy không khí qua lõi động cơ và do đó tầm bắn của tên lửa sẽ xa hơn, lên tới 500 km.

Với tầm bắn này, nếu được triển khai tại Ukraine, chúng có thể tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Một ưu điểm khác của Taurus là tên lửa này bay ở độ cao chỉ 35 m khiến hệ thống radar gần như không thể phát hiện.

Taurus sử dụng bốn hệ thống định vị độc lập để xác định mục tiêu. Tên lửa này sở hữu hệ thống điều hướng tham chiếu địa hình giúp nó rà soát mặt đất, cùng hệ thống cảm biến hình ảnh nên có thể sử dụng cầu, sông hoặc ngã tư để định hướng. Ngoài ra, Taurus cũng định vị bằng cách liên tục đo lường chuyển động của chính nó để xác định chính xác vị trí của mục tiêu.

Không quân Đức cho biết tên lửa Taurus được sử dụng để chống lại “những mục tiêu có giá trị cao”, bao gồm các boongke hoặc sở chỉ huy của đối phương vì nó sử dụng đầu nổ kép MEPHISTO, có khả năng xuyên qua lớp đất hoặc bê tông dày trước khi kích nổ công trình của đối phương.

Theo tờ Politico, thiệt hại Taurus gây ra tương đương với việc thả từ hai quả bom chính xác trở lên.

Khả năng Đức chuyển tên lửa Taurus tới Ukraine

Ngay sau khi có tin về vụ rò rỉ đoạn hội thoại liên quan tên lửa Taurus, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lên tiếng khẳng định rằng tên lửa Taurus chỉ được triển khai ở nơi có sự hiện diện của quân đội Đức. Tuyên bố này gần như chắc chắn về việc Berlin sẽ không gửi Taurus đến Ukraine.

“Không thể chấp nhận được việc cung cấp một hệ thống vũ khí có khả năng vươn tầm xa mà không cân nhắc cách điều khiển nó. Nếu muốn điều khiển thì phải có sự tham gia của binh sĩ Đức, nên đối với tôi, điều này là không thể” - đài n-tv (Đức) dẫn lời ông Scholz hôm 4-3.

Tên lửa Taurus - vũ khí trọng tâm trong căng thẳng Nga-Đức - đáng gờm thế nào?
Tên lửa hành trình tầm xa Taurus của Đức. Ảnh: EFE - EPA

Trước đây, Đức cũng nhiều lần từ chối gửi Taurus cho Ukraine bất chấp yêu cầu của Ukraine và sự thúc giục của Anh và Pháp - hai nước đã gửi tên lửa Storm Shadow và SCALP của mình cho Kiev.

Ông Fabian Hoffmann - chuyên gia về tên lửa tại ĐH Oslo (Na Uy) cho rằng khả năng công phá cùng tầm bắn có thể vươn tới Nga là một trong những lý do khiến Đức đến nay vẫn ái ngại trong việc chuyển giao Taurus cho Ukraine.

Trong khi Ukraine nhiều lần cam kết sẽ không sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công vào lãnh thổ Nga thì Thủ tướng Scholz hồi tháng 10-2023 vẫn bày tỏ sự lo ngại về khả năng leo thang xung đột nếu vũ khí nguy hiểm bậc nhất của Berlin đến Ukraine. Ông Scholz cũng nhấn mạnh rằng ông có trách nhiệm đảm bảo “Đức không trở thành một phần của cuộc xung đột”.

Ngoài ra, việc huấn luyện quân đội Ukraine sử dụng Taurus cũng rất phức tạp và mất thời gian, đặc biệt là ở giai đoạn lập bản đồ để xác định vị trí mục tiêu, theo chuyên gia Gustav C. Gressel tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR - Đức, nghiên cứu chính sách đối ngoại và an ninh châu Âu)

Cuối cùng, ông Gresse lập luận rằng Đức lo ngại kho tên lửa Taurus của nước này có thể cạn kiệt và tệ hơn là trường hợp một tên lửa Taurus “gặp nạn ở đâu đó mà không phát nổ”, sau đó bị Nga mang về nghiên cứu.

“Khi tên lửa hoạt động ở Ukraine, Nga sẽ hiểu hơn về đặc điểm của tên lửa và tìm cách đối phó” - ông Gresse nói.

Một vấn đề khác cần lưu ý chính là trong khi Anh và Pháp đang phát triển các phiên bản kế nhiệm cho Storm Shadows và SCALP thì Đức hiện vẫn chưa có phiên bản kế nhiệm cho Taurus và Berlin có kế hoạch tiếp tục sử dụng Taurus cho đến giữa thế kỷ này.

“Cho đến khi có bản nâng cấp, Taurus vẫn là phương tiện tấn công sâu duy nhất mà Đức có” - ông Gresse nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm