Tết Việt trong trái tim những người con xa quê

(PLO)- Dù xa quê, người Việt ở khắp nơi vẫn giữ vững văn hoá Tết truyền thống. Không khí ấm áp của ngày Tết giúp những người con xa quê giảm nỗi nhớ nhà.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dù ở xa quê hương nhưng cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới vẫn luôn cố gắng lưu giữ những hoạt động văn hoá mang đậm nét truyền thống của Tết cổ truyền.

Với những người con xa xứ, không khí đón Tết cổ truyền có thể không hối hả và sôi động như ở Việt Nam nhưng lại vô cùng ấm cúng, giúp vơi bớt phần nào nỗi nhớ quê hương.

10 năm Tết xa quê vẫn nhớ mâm cơm Việt

Đây là năm thứ 10 chị Phạm Thị Ngọc Tuyền (quê Trà Vinh) đón Tết xa quê. Hiện chị làm việc tại một công ty ở Đài Loan chuyên sản xuất phụ kiện xe hơi. Chị Tuyền cho biết những năm trước rất khó để sắp xếp về quê đón Tết vì công việc thường bận rộn vào khoảng tháng 1 và 2.

"Gần đây do kinh tế khó khăn chung nên việc làm được giảm cắt giờ công, hàng hoá không nhiều. Thêm việc vé máy bay dịp cận Tết tăng cao, cỡ 20 triệu đồng. Do đó, tôi đành lỡ hẹn thêm một năm về Việt Nam đón Tết bên gia đình" - chị Tuyền tâm sự.

IMG_0918.jpeg
Chị Phạm Thị Ngọc Tuyền (bên trái ngoài cùng) cùng những người con xa xứ đón Tết Nguyên đán nơi xứ người. Ảnh: NVCC

Để vơi bớt nỗi nhớ nhà, trong đêm giao thừa và những ngày Tết Nguyên đán, chị Tuyền chuẩn bị các món ăn truyền thống như chả giò, thịt ngâm mắm, xôi gấc, gà luộc… để cúng và làm một bữa tiệc tất niên với bạn bè.

Ngoài ra, chị cũng đón xem chương trình Táo Quân, Sóng Xuân để có không khí Tết quê hương. Vào các ngày Tết, chị sẽ đến chùa Phật Quang Sơn (Cao Hùng, Đài Loan - một ngôi chùa được nhiều người Việt tới) để cầu bình an cho bản thân và gia đình.

Giữ gìn Tết Việt trên đất Mỹ

Chị Thuý Vân hiện sinh sống và làm việc tại San Jose (Mỹ). 16 năm trước, chị đến nước Mỹ theo diện du học sinh và lập nghiệp tại đây. Tuy nhiên, trong quãng thời gian đằng đẵng đó, chưa lần nào chị có dịp trở về quê nhà để đón Tết cổ truyền cùng gia đình.

"Năm đầu tiên đón Tết xa nhà mang đến một cảm giác rất khó tả. Dù mâm cơm ngày Tết không thiếu thứ gì so với ở quê hương nhưng tôi vẫn rất hụt hẫng. Nó giống như cảm giác trọn vẹn nhưng không đủ đầy. Trải qua nhiều lần đón Tết xa quê, năm nay có lẽ là năm đặc biệt hơn vì ba mẹ đã sang Mỹ để sum vầy cùng chúng tôi” - chị Vân chia sẻ.

IMG_3499.jpeg
Chị Vân đã 16 năm chưa về Việt Nam đón Tết. Ảnh: NVCC

Theo đó, chị cùng với một số gia đình thuộc cộng đồng người Việt tại Mỹ tụ họp để ăn tất niên và cùng nhau gói bánh chưng nhằm lưu giữ những nét văn hoá của dân tộc dù đang ở nơi xa xứ. Tuy gói bánh chưng khá vất vả, nhưng việc tạo nên bầu không khí vui vẻ cũng là cách để các gia đình người Việt giáo dục con cái nhớ về nguồn cội, lưu giữ trong tim hình ảnh quê hương.

"Tại San Jose, cộng đồng người Việt định cư rất đông. Chính vì vậy, từ mùng 1 đến mùng 3 Tết, sau giờ tan làm, các gia đình sẽ tụ họp cùng nhau ăn uống, trò chuyện và trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất về một năm mới an khang và thịnh vượng" - chị Vân chia sẻ thêm.

IMG_3500.jpeg
Chị Vân cùng một số gia đình thuộc cộng đồng người Việt tại Mỹ tụ họp để ăn tất niên và cùng nhau gói bánh chưng nhằm lưu giữ những nét văn hoá của dân tộc. Ảnh: NVCC

Đủ đầy mai đào, bánh chưng… vẫn nhớ quê hương

Đến nay đã gần 6 năm chưa trở về Việt Nam, cũng là ngần ấy năm anh Vũ Kim Thanh (quê Hải Phòng) hiện đang sinh sống ở Anh, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Anh, chưa được đón một cái Tết cổ truyền trọn vẹn ở quê hương.

Mỗi khi Tết, anh Thanh đều có cảm giác lạc lõng nơi xứ người. Ở Anh, mọi người không đón Tết Nguyên đán mà chỉ đón Tết Dương lịch. Do đó, không khí đón Tết cổ truyền tại đây không rộn ràng như Việt Nam. Các hoạt động vào những ngày này đều diễn ra bình thường. Mọi người vẫn đi học, đi làm.

IMG_3497.jpeg
Những người con xa xứ tại Anh đón Tết cổ truyền. Ảnh: NVCC

"Theo thời gian, Tết của những người Việt xa xứ dần đủ đầy mọi thứ. Chúng tôi có đủ đầy mai đào, bánh chưng… nhưng vẫn nhớ quê hương, nhớ không khí thiêng liêng của đất trời đêm Giao thừa" - anh Thanh bày tỏ.

Vì vậy, dù tất bật với những công việc đầu năm nhưng cứ đến thời điểm Tết cổ truyền, anh Thanh cùng gia đình đều chuẩn bị từng chiếc lá dong, miến, măng khô, giò lụa, nem, mâm ngũ quả, cành đào... để được tận hưởng một cái Tết ấm cúng đúng vị quê nhà.

IMG_3496.jpeg
Tết cổ truyền, các gia đình đều chuẩn bị từng chiếc lá dong, miến, măng khô, giò lụa, nem, mâm ngũ quả, cành đào... để được tận hưởng một cái Tết ấm cúng đúng vị quê nhà. Ảnh: NVCC

Hơn 10 năm qua Mỹ định cư, mỗi năm ông Nguyễn Hữu Dân (ở Cherry Hill, New Jersey) đều đưa gia đình về thăm quê một lần. Tuy nhiên, do công việc của người lớn lẫn chuyện học hành của con cái nên gia đình ông chỉ có thể về Việt Nam vào mùa hè. Do đó, dù bận rộn nhưng việc họp mặt dịp Tết cổ truyền vẫn luôn được vợ chồng ông duy trì để con cháu không quên nguồn cội.

Cứ giao thừa hoặc mùng 1, gia đình ông tụ họp đông đủ với nhau, cùng thắp nén hương lên tổ tiên, chụp những bức ảnh sum vầy đoàn tụ và cùng nhau vui đùa ăn uống chúc mừng năm mới.

Đây cũng là dịp vợ chồng ông lì xì cho con cháu, đồng thời nhận những lời chúc mừng cho một năm mới phước lộc dồi dào và luôn bình an bên nhau. Phong bao lì xì màu đỏ bên trong có số tiền nhỏ tượng trưng cho lời chúc may mắn, mạnh khỏe, gặp nhiều thành công trong công việc, học tập mà vợ chồng ông muốn gửi đến con cháu.

chu dan lixi.jpeg
Ông Dân lì xì cho con cháu, đồng thời nhận lại các lời chúc bình an, may mắn.

Trong không khí của mùa xuân, không chỉ riêng chị Tuyền, chị Vân, anh Thanh, ông Dân mà còn nhiều người xa xứ khác cùng đều mong ước: sức khỏe và hạnh phúc cho ba mẹ và gia đình. Mỗi người con Việt xa xứ làm gì cũng đều mang trong tim tình yêu quê hương da diết. Dù ở bất kỳ nơi đâu họ cũng trân trọng và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống để kế thừa cho thế hệ sau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm