Sau Tết là thời điểm nhu cầu đi lại tăng cao, nhiều sinh viên, công nhân trở lại TP học tập, làm việc, do đó xảy ra tình trạng “nói thách” giá vé xe. Xin hỏi hành vi này bị phạt như thế nào?
Bạn đọc Nguyễn Lộc (Lâm Đồng).
Luật sư Đỗ Trúc Lâm, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời:
1. Đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải
Theo quy định pháp luật, hoạt động kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải phải đăng ký, niêm yết chính xác, đầy đủ về hành trình chạy xe, điểm đầu, điểm cuối của tuyến, giá cước, giá dịch vụ.
Tại khoản 6, khoản 10, khoản 11 Điều 28 Nghị định 100/2019 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021 quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân.
Đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải có hành vi không thực hiện đúng các nội dung đã đăng ký, niêm yết về hành trình chạy xe, giá cước, giá dịch vụ sẽ bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 01 tháng đến 03 tháng (nếu có hoặc đã được cấp) đối với xe vi phạm. Trong trường hợp cá nhân kinh doanh vận tải là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Trường hợp thu tiền cước, tiền dịch vụ cao hơn quy định thì buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.
2. Đối với người điều khiển xe kinh doanh vận tải hành khách
Tại Điều 23 Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021) quy định xử phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định thu tiền vé nhưng không trao vé cho hành khách, thu tiền vé cao hơn quy định.
Trường hợp thu tiền vé cao hơn quy định thì buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.
3. Đối với nhân viên phục vụ trên xe vận chuyển hành khách
Tại Điều 31 Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021) quy định xử phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với nhân viên phục vụ trên xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định thực hiện hành vi thu tiền vé nhưng không trao vé cho hành khách, thu tiền vé cao hơn quy định.
Trường hợp thu tiền vé cao hơn quy định còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.