Chưa khi nào, đất nước Pakistan trải qua một mùa lũ kinh hoàng như những ngày qua. Một phần ba diện tích nước này bị ngập lụt, 30 triệu người phải di tản, hơn 1.400 người chết, thiệt hại lên đến hơn 30 tỉ USD.
Các nạn nhân của lũ lụt cùng gia súc của họ ở Sehwan, Pakistan, ngày 9-9. Ảnh: NIKKEI ASIA |
Một số quốc gia đã đề nghị viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, cần xem đây là khoản “bồi thường” chứ không phải "viện trợ" - bà Nida Kirmani, phó giáo sư xã hội học tại Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn Mushtaq Ahmad Gurmani thuộc Đại học Khoa học Quản lý Lahore (Pakistan), nhận định trên trang Nikkei Asia.
Nhiều vùng của Pakistan đã nhận được lượng mưa nhiều hơn 700% so với mức trung bình hàng năm. Các chuyên gia tin rằng lượng mưa khổng lồ này không phải là một “thảm họa tự nhiên” mà là kết quả trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Thảm họa khí hậu này chắc chắn không phải là cuối cùng. Kịch bản đó sẽ trở nên thường xuyên hơn, khó lường hơn và quy mô lớn hơn. Vì lý do này, lũ lụt ở Pakistan nên là một lời cảnh tỉnh cho thế giới.
Với khoảng 17% diện tích đất canh tác bị ngập lụt, một cuộc khủng hoảng lương thực trong những tháng tới có vẻ không thể tránh khỏi, lạm phát (đạt mức cao nhất trong năm thập niên là 27,3% hồi tháng 8) sẽ tăng vọt.
Ngay cả trước khi lũ lụt xảy ra, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc ước tính 42 triệu người Pakistan đang ở mức độ mất an ninh lương thực từ vừa đến nghiêm trọng. Thêm vào đó là chi phí sức khỏe do các bệnh sốt rét, sốt xuất huyết đang lan rộng ở các khu vực bị lũ lụt.
Đến nay, một số quốc gia đã đề nghị viện trợ nhân đạo. Trong đó, đáng chú ý nhất là Trung Quốc và Mỹ với các khoản đóng góp lần lượt là 58 triệu USD và 50 triệu USD.
Các khoản hỗ trợ có vẻ lớn, nhưng thực tế là Mỹ và Trung Quốc hiện là 2 nước phát thải nhiều nhất thế giới. Trong khi đó, Pakistan, quốc gia oằn mình vì lũ lụt, chiếm chưa đầy 1% lượng khí thải carbon.
Một trong những vấn đề lớn nhất là số tiền được trao đã được đóng khung là viện trợ nhân đạo. Gọi số tiền này là “viện trợ” có vẻ những người quyên góp đang làm điều đó vì lòng tốt của họ. Nhưng ở đây, Pakistan, với tư cách là bên nhận viện trợ, đang phải trả giá bằng sinh mạng người dân của mình cho sự tăng trưởng kinh tế không bền vững của nhiều quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á.
Đó là lý do tại sao sẽ thích hợp hơn nếu dán nhãn những khoản tiền này là khoản bồi thường. Nó không chỉ đơn giản là sự khác biệt về ngữ nghĩa. Kêu gọi bồi thường khí hậu cho Pakistan, hoặc bất kỳ khu vực nào trên thế giới đang chịu gánh nặng của tăng trưởng kinh tế không bền vững, không có nghĩa chỉ đơn giản là đòi bồi thường bằng tiền.
Các quốc gia như Pakistan, cũng như các quốc gia ở nam bán cầu, dễ bị tổn thương nhất do tác động của biến đổi khí hậu sẽ phải ngừng nhìn vào các quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới với tư cách là đồng minh và vị cứu tinh.
Thay vào đó, các quốc gia dễ bị tổn thương phải hợp lực để yêu cầu một hệ thống kinh tế công bằng hơn, ưu tiên tính mạng con người hơn tăng trưởng kinh tế và buộc chính phủ các quốc gia gây ô nhiễm và các tập đoàn phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà họ gây ra.
Phong trào Không liên kết (NAM), được thành lập vào những năm 1950 bởi các quốc gia từ chối tham gia cuộc cạnh tranh trong Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trước đây, có thể là một hình mẫu cho các quốc gia chịu thiệt hại nặng nề trong cuộc khủng hoảng khí hậu ngày nay.
Với quy mô tàn phá môi trường của con người như hiện nay, nhất định thảm họa khí hậu như những gì Pakistan đang gánh chịu, sẽ tái diễn trong những năm tới. Không có cách nào khác, phải thay đổi góc nhìn từ viện trợ sang bồi thường.