Thẩm phán mời đương sự tới tòa nhận lịch xử được không?

(PLO)- Việc tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử giữ vai trò rất quan trọng bởi đó thông tin cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, những người tham gia tố tụng khác. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, TAND tỉnh Gia Lai mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Võ Đình Sớm, cựu thẩm phán TAND tỉnh Gia Lai về tội nhận hối lộ.

Theo nội dung vụ án, trước khi bị bắt quả tang nhận hối lộ 500 triệu đồng của đương sự tại phòng làm việc, ông Võ Đình Sớm là thẩm phán TAND tỉnh Gia Lai được phân công giải quyết vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông PAT và bị đơn là Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ.

Trong quá trình xét hỏi, bị cáo Sớm xác nhận có yêu cầu ông PAT lên phòng làm việc để gửi thông báo về lịch xét xử, không hề hay biết và không có yêu cầu nguyên đơn đưa hối lộ 500 triệu đồng.

Nhiều bạn đọc thắc mắc, việc tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử trong vụ án dân sự được thực hiện thế nào, việc gọi đương sự tới tòa để gửi lịch xét xử liệu có đúng luật?

Theo luật sư (LS) Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), căn cứ BLTTDS thì quyết định đưa vụ án ra xét xử là văn bản tố tụng quan trọng, thể hiện chi tiết về việc xét xử vụ án; phải được tống đạt cho đương sự trong vụ án.

Khoản 2 Điều 220 BLTTDS quy định, quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được gửi cho đương sự và VKS cùng cấp trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định. Khoản 2 Điều 290 BLTTDS quy định, quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm phải được gửi cho đương sự, VKS cùng cấp trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.

Về các phương thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được quy định tại Điều 173 BLTTDS. Theo đó, cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc người thứ ba được ủy quyền. Thực hiện bằng phương tiện điện tử theo yêu cầu của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác. Niêm yết công khai hoặc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Theo LS Trần Thị Thanh Thảo (Đoàn LS TP.HCM), văn bản tố tụng được cấp, tống đạt, thông báo đến địa chỉ mà các đương sự đã gửi cho tòa án theo phương thức đương sự yêu cầu hoặc tới địa chỉ mà các đương sự đã thỏa thuận và đề nghị tòa án liên hệ theo địa chỉ đó.

Trường hợp, người được tống đạt cá nhân thì văn bản tố tụng phải được giao trực tiếp cho họ. Đương sự phải ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận văn bản tố tụng. Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày họ được cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng.

Trường hợp cá nhân đã chuyển đến nơi cư trú mới và đã thông báo cho tòa án thì phải tống đạt theo địa chỉ nơi cư trú mới của họ. Nếu họ không thông báo cho tòa án biết thì tòa án thực hiện thủ tục niêm yết công khai và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Trường hợp cá nhân từ chối nhận văn bản tố tụng, thì tòa án phải lập biên bản trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc công an.

Trường hợp cá nhân vắng mặt thì tòa án phải lập biên bản và giao cho người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng nơi cư trú với họ hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn… để ký nhận hoặc điểm chỉ và yêu cầu người này cam kết giao cho cá nhân đó.

LS Thảo cho rằng, việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng trong đó có quyết định đưa vụ án ra xét xử giữ vai trò rất quan trọng trong hoạt động tố tụng hiện nay. Thông qua đó, cơ quan tiến hành tố tụng báo cho đương sự, những người tham gia tố tụng khác biết những thông tin cần thiết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Ngoài ra, việc tống đạt văn bản tố tụng góp phần đảm bảo các hoạt động tố tụng được đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ.

LS Thảo cũng cho biết thêm, pháp luật không cấm việc người có thẩm quyền được giao giải quyết vụ án mời đương sự vào phòng làm việc để thông báo, tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử. Bởi đó là sự thỏa thuận giữa đương sự và tòa, chỉ cần việc này không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người được tống đạt văn bản tố tụng.

Thực tiễn cũng rất nhiều đương sự nhận văn bản tại phòng làm việc của thẩm phán thụ lý vụ án hoặc cán bộ tòa án. Vì điều này tiện cho đôi bên mà cũng không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp cũng không trái quy định pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm