Gọi điện thoại cho ông Lê Văn Rời (Năm Rời) ở xã Long Điền A (huyện Chợ Mới, An Giang), đầu dây bên kia giọng ông rốp rẻng: “Năm Rời chuyên di dời nhà nghe đây”. Xin ông cái hẹn, ông đáp liền: “Hôm nay tôi bận sạ lúa rồi. Hẹn nhà báo hai bữa nữa nghen. Công việc di dời nhà thu nhập khá nhưng không thể bỏ ruộng được”.
Bán vịt để theo nghiệp “thần đèn”
66 tuổi, vóc người mảnh khảnh nhưng ông Năm Rời vẫn còn nhanh nhạy như cánh thanh niên. Ông xuôi ngược khắp các tỉnh, thành từ miền Tây tới TP.HCM… Cùng với đội ngũ nông dân làm nghề hơn chục người, ông từng di dời thành công hàng trăm công trình. Công việc của nhóm “thần đèn” Năm Rời bận rộn suốt năm. “Công trình nhiều, doanh nghiệp của mình có thêm thu nhập, anh em làm nghề cũng có khoản dư lo cho gia đình” - giọng ông phấn khởi.
Buổi đầu vào nghề của ông rất tình cờ: “Đang lúc chăn bầy vịt đẻ 700 con chạy đồng ở Hồng Ngự (Đồng Tháp), tôi đến xem ông Nguyễn Cẩm Lũy chỉ huy nhóm thợ di dời một ngôi chùa. Thấy mê quá, phục quá, tôi kêu bán gấp bầy vịt, xin đi theo thầy Lũy luôn!”.
Vào những năm 1995-1999, một ngày công lao động ông được trả 30.000 đồng, sau nâng lên 60.000 đồng. Ông ấn tượng nhất là lần tham gia di dời chùa Ngói (Đồng Tháp), lùi vô cách vị trí cũ khoảng 30 m. Rồi những lần theo ông Lũy đến TP.HCM di dời trụ sở làm việc của một cơ quan nhà nước, một công trình nhà dân phải di dời vượt qua con mương… dần dà ông thấy đam mê cái nghề này đến lạ kỳ: “Bất cứ khó khăn nào con người cũng có thể làm được nhờ ý chí, sức lực và sự mày mò sáng tạo”.
“Thần đèn” Năm Rời. Phía sau là gian nhà kiên cố ở xã Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè, Tiền Giang) đã di dời cuối tháng 6-2011. Ảnh: T.PHÚC
Sau nhiều năm theo nhóm thợ di dời công trình của thầy Nguyễn Cẩm Lũy, tham gia hàng trăm công trình, tích cóp khá nhiều kinh nghiệm, ông Năm Rời tách ra làm riêng, lập đội di dời nhà từ năm 2000 rồi quyết định thành lập DNTN Di dời nhà Năm Rời.
Cứu tinh của những công trình giải tỏa
Lúc đầu “thần đèn” Năm Rời chỉ nhận di dời các công trình nhỏ. Ông sắm sửa các vật dụng cần thiết như con đội, palăng (dây xích)... vừa đủ để di dời những căn nhà bán kiên cố, tường, cổng rào đơn giản. Bấy giờ toàn bộ đồ nghề của ông trị giá hơn 500 triệu đồng. Đây cũng là số vốn tích lũy sau nhiều năm. Cứ mỗi lần nhận lãnh một công trình lớn, giá trị hợp đồng cao, ông đều sắm thêm những con đội 50, 100 tấn để có thể nâng tổng khối lượng công trình 2.000-2.500 tấn.
Anh Võ Văn Hùng - chủ nhà nghỉ Phương Nam, ở phường 6 (Mỹ Tho, Tiền Giang) kể năm 2005, khi Nhà nước giải tỏa để xây dựng đường dẫn lên cầu Rạch Miễu, dãy nhà trọ của anh gồm một trệt, một lầu với 12 phòng nằm trọn trong lòng đường mới. Nếu đập bỏ, xây dựng lại tốn khoảng 200 triệu đồng. Anh thuê “thần đèn” Năm Rời di dời chỉ tốn 80 triệu đồng. Đội di dời kéo dãy nhà trọ lùi sâu vô bên trong gần 50 m, nâng nền lên 0,8 m. Thấy hiệu quả, anh Hùng tiếp tục nhờ nhóm Năm Rời di dời một gian nhà trệt cạnh bên, cũng kéo từ mép đường lùi sâu vô ngang bằng dãy nhà trọ, gia cố nền móng để xây thêm một tầng làm nhà ở.
Những công trình nhỏ như nâng nền trụ sở Công an phường 9, TP Mỹ Tho lên 1,2 m và di dời hai căn nhà trệt để Công an TP Mỹ Tho tiếp tục sử dụng khi tiến hành giải phóng mặt bằng xây dựng trụ sở mới, đối với “thần đèn” Năm Rời không có gì khó khăn. Tất cả đều được đào hết phần móng, đưa con đội vào, cắt hết chân cột… rồi dùng palăng kéo trên bệ trượt, ống lăn... Các công nhân cứ thay phiên nhau quay tay, kéo từng tí một hết ngày này sang ngày nọ, muốn xoay ngang, dọc hoặc nâng cao bao nhiêu tùy thích. Đích đến của ngôi nhà là vị trí phần nền móng mới mà chủ nhân đã chuẩn bị sẵn, sau đó hàn sắt nối các chân cột với cốt sắt móng nền mới rồi ốp thiết đổ cột…
Nhóm thợ của “thần đèn” Năm Rời tham gia di dời nhà nghỉ Phương Nam (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) năm 2005. Ảnh: T.PHÚC
Rồi Năm Rời nhận những công trình lớn hơn. Đó là lần di dời nguyên gian nhà 15 x 20 m của nhà hàng Thành Minh ở TP Mỹ Tho sang một bên để có đất trống xây dựng thêm một gian nhà hàng mới. Nhóm thợ của ông Năm Rời miệt mài đào bới, đục cắt, kéo, nâng nền… và hoàn thành trong vòng 25 ngày. Không lâu sau đó, trong khuôn viên nhà hàng Thành Minh xuất hiện thêm một nhà hàng mới sánh đôi với gian nhà hàng cũ mà “thần đèn” Năm Rời đã di dời. Có dịp trở lại đây, chính ông Năm Rời cũng sung sướng không thua gì chủ nhân của nó. Nhờ những bàn tay của các “thần đèn”, công trình không bị đập bỏ, tiết kiệm được ba, bốn lần so với xây mới.
Chống nghiêng khách sạn sáu tầng
Ông Quách Văn Minh Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khách sạn An Bình (TP Long Xuyên, An Giang), đánh giá cao tay nghề của nhóm “thần đèn” Năm Rời khi đã giúp khắc phục tình trạng lún, nghiêng của khách sạn năm tấm này vào đầu năm 2010. Theo ông Hiếu, nếu duy trì hoạt động khách sạn trong điều kiện bị lún, nghiêng sẽ rất nguy hiểm. Nếu đập bỏ xây dựng lại, tốn hơn 4 tỉ đồng. “Thần đèn” Năm Rời nhận xử lý với chi phí 350 triệu đồng.
Đứng trước tòa nhà đồ sộ, tổng khối lượng trên ngàn tấn, “thần đèn” lẳng lặng nghiên cứu. So với khách sạn xây dựng sau (cũng năm tầng nằm liền kề), khách sạn bị lún, nghiêng, tầng trên cùng bị hở gần 1 m, bên dưới hở khoảng 20 cm. “Thần đèn” đoán chắc do quá trình xây dựng khách sạn năm tầng kế bên, máy xúc đã đào đất quá sâu gây tác động đến móng của khách sạn cũ. Cũng có thể do đà móng quá nhỏ, cừ tràm không đáp ứng đủ sức chịu lực… Nhóm “thần đèn” khoảng 20 người bắt tay làm trong một tháng thì hoàn thành.
Việc chỉnh sửa được tính toán từng ly. Thoạt đầu các “thần đèn” đào tung hết toàn bộ nền móng lộ rõ các chân cột, dùng ván chêm đưa những con đội 100 tấn vào, cắt hết các chân cột, lấy một số trụ làm chuẩn phần còn lại đội lên chỉnh cho ngôi nhà ngay ngắn đúng như ý muốn, sau đó giao cho các nhóm thợ hồ gia cố giàn đà móng, ốp ván đổ cột… thế là xong. Chủ nhân khách sạn An Bình không thể tin vào mắt của mình, giờ đây dãy nhà lún, nghiêng đã được dựng lại thăng bằng. Phần thưởng là một con heo quay do chủ khách sạn cúng mừng thắng lợi, mở tiệc đãi nhóm “thần đèn” và bạn bè …
Vui buồn cùng nghề “Thần đèn” Năm Rời rất vui khi có dịp diện kiến “thần đèn” trẻ Trương Văn Dũng (Bến Tre), ông trao đổi về kinh nghiệm khá sôi nổi. Khi nghe kể về việc “thần đèn” Dũng cải tiến thiết bị di dời nhà bằng hệ thống bơm, kéo thủy lực, ông hào hứng: “Vậy là hôm nào tôi sẽ tranh thủ xuống chú Dũng nghía thử cái máy kéo nghen. Trước nay tụi tôi toàn kéo bằng tay, cực quá sá cực!”. Hỏi về những sự cố nghề nghiệp, giọng “thần đèn” Năm Rời chùng xuống: “Đã có sự cố ngoài ý muốn, dù mình đã tính toán kỹ và rất cẩn trọng”. Sự cố xảy ra cách đây hai năm vì nền đất không ổn định, lúc kéo con đội bị trượt, cả căn nhà trượt theo, va đập vào căn nhà kế bên làm chết đứa cháu tham gia trong nhóm “thần đèn”. |
TÂM PHÚC
Kỳ tới: “Thần đèn” Huỳnh Văn Lý ở An Giang đã từng chỉ huy nhóm thợ di dời, xoay 180o một ngôi chùa nằm trên đỉnh núi Cấm vào vị trí mới an toàn.