“Thần đèn” nước Việt - Bài 4: Chiếc máy dời nhà tự chế

DNTN Thần đèn Bến Tre của “thần đèn” Trương Văn Dũng đóng ở xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm. Khi tôi hỏi thăm, một chị bán vé số mau miệng: “Ông Dũng chạy chiếc mô tô chuyên di dời nhà hả? Qua cầu Bến Tre 2, đi chừng ba cây số sẽ thấy cơ ngơi của ổng liền”.

Dời thử nhà mình trước

Muốn gặp Trương Văn Dũng chỉ có nước liên lạc qua điện thoại, bởi ít khi anh có mặt tại trụ sở. Hằng ngày, anh luôn cỡi chiếc mô tô hoặc đi xa thì lái xe ô tô bốn chỗ để nhận hợp đồng di dời nhà và điều hành nhóm thợ thi công khắp trong, ngoài tỉnh.

Xuất thân là thợ mộc rồi thợ hồ để kiếm sống, anh Dũng học làm khâu kết cấu cốt sắt: đà, cột… Anh theo suốt các công trình của ngành bưu điện ở khắp các huyện, lâu ngày tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm. Năm 2000, nghe rộ lên chuyện “thần đèn” miệt An Giang, Đồng Tháp nâng nền, di dời nhà thành công, Trương Văn Dũng âm thầm mày mò học làm thử.

Gia đình anh có ngôi nhà hai tầng ở xã Mỹ Thạnh An (TP Bến Tre) cần phải di dời và nâng nền, anh xin gia đình làm thử. Anh thuyết phục người nhà: “Nếu di dời thành công, mình sẽ tiết kiệm trên trăm triệu đồng. Còn thất bại thì đập bỏ xây dựng mới”. Đó là công trình thực tập đầu tay trước khi anh chính thức bước vào nghiệp “thần đèn”. Thành công lần ấy, anh mạnh dạn đứng ra nhận lãnh các công trình. Lúc đầu vào nghề, tay ngang cũng run lắm! Năm 2002, anh nhận di dời ngôi nhà đầu tiên cho khách hàng, bụng cứ hồi hộp lo lắng, suốt đêm trằn trọc không ngủ được.

“Thần đèn” nước Việt - Bài 4: Chiếc máy dời nhà tự chế ảnh 1

Chiếc máy bơm kéo thủy lực do“thần đèn” Trương Văn Dũng tự sáng chế, giúp thay thế sức người di dời căn nhà 100 tấn tốc hành chỉ trong vài ngày. Ảnh: T.PHÚC

Đó là căn nhà của ông Nguyễn Văn Xuân ở xã Tam Phước (huyện Châu Thành, Bến Tre) bị giải tỏa để mở rộng quốc lộ 60. Tuy là nhà trệt nhưng phải di chuyển qua năm con mương vườn, cách xa vị trí ban đầu gần 70 m! Sau khi cắt đứt hết phần cổ cột, anh cho toàn bộ công trình vào những đường ray bằng sắt bên dưới có ván lót, trụ chống lún chịu lực và hệ thống ống lăn trượt trên đường ray… Nhóm của anh gồm sáu người làm suốt một tháng trời mới hoàn thành. Thời đó, chưa có máy móc hiện đại như bây giờ nên họ chỉ dùng tời kéo nhích từng tí một. Công trình nhỏ mỗi ngày kéo được khoảng 5-6 m. Công trình lớn, nhóm thợ 10 người kéo chỉ được 1-2 m/ngày là cao.

Năm 2004, Trương Văn Dũng nhận di dời trụ sở của Công ty Cotex ở quận 9, TP.HCM gồm một trệt, một lầu, diện tích nền 200 m2 phải di dời khỏi vị trí ban đầu khoảng 150 m vì bị giải tỏa để mở rộng đường. Nhóm “thần đèn” khác ra giá 300 triệu đồng, anh trúng thầu vì hạ giá xuống còn 250 triệu đồng…

Xây lộn nền: Chuyện nhỏ!

Theo anh Dũng, nghề này không bao giờ hết việc. Nhất là chuyện nhà đang ở bị lún, nghiêng. Gần đây còn có thêm những căn nhà xây dựng lộn trên nền của chủ khác trong khu dân cư mới quy hoạch. Thay vì đập bỏ để xây dựng lại, bà con thuê di dời sẽ tiết kiệm kinh phí 2-4 lần. Tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai, nhóm của anh gồm sáu lao động nhận di dời căn nhà xây lộn nền giá 70 triệu đồng trong vòng một tháng rưỡi. Việc di dời toàn bộ ngôi nhà xây lộn từ nền này sang nền khác đã giúp gia chủ tiết kiệm trên 150 triệu đồng.

Trong tháng 6-2011, nhóm của anh vừa di dời xong một căn nhà xây dựng lộn nền trong khu dân cư Mỹ Phước (Bình Dương). Do không thương lượng được với chủ nền bị xây lộn, nhà thầu xây dựng phải nhờ “thần đèn” ra tay di dời. Ngôi nhà một trệt một lầu này nếu đập bỏ xây dựng lại mất khoảng 2 tỉ đồng. Nhà thầu chỉ cần bỏ ra 200 triệu đồng khắc phục sự cố để kịp tiến độ bàn giao nhà cho gia chủ.

Năm 2009, ở chợ Lái Thiêu (Bình Dương), chủ nhà phát hiện ngôi nhà của mình bị lún sau một thời gian Nhà nước đóng cọc bê tông làm bờ kè. Nhóm của anh Dũng nhận chống lún trong vòng hai tháng với giá 250 triệu đồng. Toàn bộ móng cột được đào, cắt, đội lên cân chỉnh cho ngay ngắn, rồi dùng phương pháp đóng cọc nhồi gia cố phần nền móng, hàn các cổ cột… kết cấu căn nhà lại y chang như cũ.

Có một công trình khi thi công xong anh cho rằng mình quá liều! Đó là hợp đồng nâng nền căn nhà một tấm lên hai tấm của ông Chín tiệm vàng ở ngã tư Sở Sao (Bình Dương) hồi năm 2004. Ngôi nhà mặt tiền, do nâng cấp mở rộng quốc lộ 13, nhà bị thấp và cần phải dời lùi sâu vô bên trong 10 m. Chọn vị trí di dời xong, chủ nhà đề nghị đào sâu xuống 1 m rồi mới ép cọc làm móng, để sau khi di dời ngôi nhà đến vị trí đã định, nâng thêm 1,5 m nữa cho đạt chuẩn tầng hầm 2,5 m. Các “thần đèn” phải dùng con đội, vừa chêm gỗ, sắt, nâng ngôi nhà lên đủ độ cao, rồi hàn sắt đổ cột, chờ 15 ngày sau mới tiến hành xây vách… anh Dũng thở phào nhẹ nhõm khi anh cầm trên tay số tiền công 270 triệu đồng của cả nhóm “thần đèn” (tám người) trong hai tháng rưỡi.

“Thần đèn” nước Việt - Bài 4: Chiếc máy dời nhà tự chế ảnh 2

Căn nhà một trệt một lầu vừa được nhóm của anh Dũng di dời thành công cuối tháng 6-2011 ở xã Hòa Lộc (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Ảnh: T.PHÚC

Thử thách mới lại đến như kiểm chứng tay nghề của “thần đèn” Trương Văn Dũng. Với hợp đồng di chuyển tượng Phật cao 10 m của một ngôi chùa ở Phú Lâm (quận 6, TP.HCM), nhóm năm người làm trong vòng 10 ngày vừa kéo dời vừa phải dùng giàn giáo bốn bên giữ cho pho tượng thăng bằng. Đồng thời, phải xoay góc 90o cho tượng quay mặt sang một hướng khác ghi trong hợp đồng. Lần đó, ngoài khoản tiền công 15 triệu đồng, nhóm “thần đèn” còn được thưởng thêm 15 triệu đồng nữa.

Chiếc máy dời nhà tự chế

“Thần đèn” Trương Văn Dũng tự sáng chế ra chiếc máy bơm thủy lực để thay thế sức người khởi động bằng môtô ba ngựa. Với số vốn bỏ ra khoảng 300 triệu đồng, chiếc máy đã giúp việc bơm các con đội, ép cọc chịu tải cả trăm tấn và khi căn nhà được đưa lên đường ray, máy có thể kéo, đẩy cả công trình di chuyển dễ dàng, chỉ cần một người điều khiển cần chỉnh. Mỗi ngày chiếc máy này kéo được căn nhà dịch chuyển đi xa 50-60 m. Thay vì trước đó dùng sức người quay tay bằng rỏ rẻ, một tốp thợ năm người chỉ kéo được 5-6 m/ngày.

Tháng 11-2009, lần đầu tiên “thần đèn” Dũng đưa vào ứng dụng chiếc máy dời nhà tại công trình di dời căn nhà một trệt một lầu của ông Huỳnh Sanh Phúc (phường 7, TP Bến Tre) trước sự ngạc nhiên thích thú của hàng trăm người. Muốn dời xoay ngang căn nhà nói trên 12 m, trước đây cần 10 người kéo trong vòng một tuần, có máy dời nhà chỉ hai ngày là hoàn tất. Mới đây chiếc máy đã giúp nhóm của anh di dời nhanh gọn căn nhà nặng trên 100 tấn ở xã Hòa Lộc (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Chủ nhà yêu cầu nâng nền lên cao gần 1 m và xoay căn nhà sang một hướng khác 90o.

Anh cho biết hiện đang chuẩn bị hợp đồng ba công trình tại Bình Dương, Thủ Đức… tổng giá trị trên 800 triệu đồng. Chiếc máy dời nhà đã phát huy vai trò, đỡ đần khá nhiều những phần việc nặng nhọc cho nhóm “thần đèn”. Chưa dừng lại, “thần đèn” Dũng còn nghiên cứu giàn ben đội cặp với giàn đà để có thể nâng toàn bộ căn nhà lên cao (mỗi lần nâng khoảng 1 m) mà không cần thay đội, lấp ván chêm mất nhiều thời gian. Giàn ben đội này sẽ thay thế 10 công lao động và rút ngắn thời gian thi công.

Tính đến nay, anh Trương Văn Dũng đã chỉ huy nhóm “thần đèn” của mình di dời trên 300 công trình lớn nhỏ ở khắp các tỉnh: Bến Tre, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Nha Trang… Gắn bó gần chục năm, những người thợ dời nhà chí cốt với anh đều có thu nhập trung bình mỗi tháng không dưới 4,5 triệu đồng/người. Nếu cộng thêm số tiền thưởng sau mỗi công trình, thu nhập của cánh thợ chính tròm trèm 10 triệu đồng/tháng…

TÂM PHÚC

Kỳ sau: Sinh nghề tử nghiệp

Huyện Chợ Mới (An Giang) đã có cả làng “thần đèn” dương oai khắp xứ. Tuy nhiên, nhiều “thần” cũng sinh nghề tử nghiệp với nghề này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm