Hú vía đi thang máy
Là một trong những người dân chứng kiến sự cố thang máy rơi tự do tại tòa nhà Lotte Center (quận Ba Đình, HN) vừa xảy ra mới đây, chị Đặng Thị Thu Vân kể lại: Khi xuống đến tầng 63 thì thang máy bất ngờ rơi tự do đến tầng 35 rồi dừng lại. Lúc này, quá sợ hãi, chị Vân cùng những người “cùng cảnh” đã lấy điện thoại gọi cho quản lý và nhân viên tòa nhà, đồng thời gọi cho cảnh sát đến cứu.
Đại diện của tòa nhà này xác nhận vào thời điểm tối 25/9 đã diễn ra một sự cố thang máy. Phía Lotte Center từ chối cung cấp thông tin chi tiết về sự cố này.
Cách đây không lâu, tòa nhà cao nhất VN là Keangnam cũng gặp sự cố tương tự. Chỉ ít phút sau lễ khánh thành tòa tháp 72 tầng, hàng chục người tham quan hoảng hốt khi một trong hai thang máy đưa khách lên tầng 72 gặp sự cố trôi bất thường.
Sự cố thang máy tại nhiều tòa nhà cao tầng khiến cư dân hốt hoảng |
“Khi tôi và hơn 10 người nữa vào thang máy để lên tầng 72 tham quan đài quan sát, đến tầng 28 thang máy đột nhiên dừng lại rồi trôi xuống khoảng tầng 21 rất nhanh. Sau đó thang máy tiếp tục dừng rồi trôi rất nhanh xuống tầng 10 trong tình trạng nút bấm trong thang không hoạt động... Mọi người trong thang đều bị hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nhiều người hoảng hốt kêu la”, một hành khách chia sẻ với báo chí.
Cư dân tòa nhà cao nhất Hạ Long cũng từng một phen hoảng loạn vì thang máy rơi tự do. Chị Phượng sống tại tòa nhà Hạ Long DC, kể lại, hai mẹ con chị vào thang máy từ tầng 14, bấm nút xuống tầng 1, khi thang đang vận hành đi xuống bình thường thì bỗng khựng lại rồi rơi tự do. Sau khi nhận được thông tin, khoảng hơn 20 phút sau, nhân viên kỹ thuật cùng bảo vệ tòa nhà mới dùng tời kéo thang máy ngược lên tầng 5 để giải thoát cho những người kẹt bên trong.
Có ảnh hưởng tới tính mạng?
Một chuyên gia về lĩnh vực thang máy cũng chia sẻ, trong trường hợp bị quá tải, phanh trong thang máy không giữ được nên bị trôi. Tuy nhiên, điều này không quá lo ngại, bởi khi thang trôi quá tốc độ thì phanh cơ sẽ khóa lại để giữ thang đứng im. Gặp tầng gần nhất, thang máy sẽ dừng lại, trong trường hợp không giữ được, nó lại tiếp tục trôi đến khi gặp cửa tầng tiếp theo.
Ông Cao Phi - PGĐ dịch vụ hậu mãi, Công ty thang máy Thiên Nam - nhận định, khi lắp đặt thang máy có chế độ định danh, tùy theo số tầng của tòa nhà, đơn vị lắp đặt sẽ quy định tầng. Với thang máy ở tòa nhà Lotte, khi xảy ra sự cố thang máy sẽ di chuyển chậm xuống tầng 33. Hành khách đi trong thang máy sẽ thấy thang đang lên rất nhanh nhưng sau đó di chuyển chậm xuống dưới.
Tương tự như vậy, với tòa nhà ở Hạ Long, quy định tầng 1 nên thang máy phải di chuyển xuống tận tầng đó mới có thể mở cửa. Nguyên nhân của sự cố này có thể do bảo trì bảo hành, căn chỉnh làm lệch so với bên ngoài, cửa bị kẹt, hoặc bị sự cố ngắt điện.
Người dân cần học cách xử lý sự cố thang máy |
Ông Phi cũng cho rằng, với các sự cố này không quá nguy hiểm nhưng dễ gây tâm lý hoảng loạn, lo sợ do thang phải di chuyển rất lâu về vị trí định danh mới có thể cứu nạn. Trong những hợp này, người dân cần phải bình tĩnh và sử dụng nút báo tín hiệu khẩn cấp để thông báo với bên ngoài.
Chuyên gia trong lĩnh vực thang máy, ông Bá Hưởng (GĐ công ty thang máy Huy Hoàng) đưa ra lời khuyên, khi thang máy bị chạy vượt tốc đương nhiên ai trong trường hợp ấy cũng hốt hoảng, lúc này cần phải bình tĩnh trở lại ngay và nhanh nhất có thể nhấn vào tất cả các nút trong bảng button cabin. Khi bộ cung cấp điện khẩn cấp được kính động thì thang máy sẽ “không rơi” thêm nữa.
“Sau đó, hành khách bám chặt vào tay cầm của thang máy, tiếp theo cần dựa chắc lưng và đầu vào tường thang máy, tạo thành một đường thẳng đứng để bảo vệ cột sống, vì nếu thang máy vượt tốc khu tiếp xuống hố pit thì rất dễ ảnh hưởng tới lưng và cột sống. Và cuối cùng là bạn hãy cong đầu gối lại mức nhiều nhất có thể để tạo thế uyển chuyển, giảm thiểu sự chấn động mạnh có thể làm gãy xương chân trong trọng khi có sự cố ca chạm mạnh”, ông Hưởng tư vấn.
Liên quan tới vấn đề an toàn thang máy khi vận hành, đại diện Thiên Nam cho rằng, cũng giống như phương tiện chuyên chở khác như xe gắn máy hay ô tô, để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng, trách nhiệm của người chủ phương tiện phải được nêu rõ. Nếu để xảy ra tai nạn liên quan tới lỗi kỹ thuật thì người quản lý thang máy trước hết phải có trách nhiệm, đồng thời công ty đang bảo trì cũng có trách nhiệm liên đới.
Thang máy muốn vận hành an toàn phải thường xuyên được bảo trì, bảo dưỡng bởi những người có chuyên môn. Và để đảm bảo hơn, nhà nước cần thực hiện công tác kiểm tra và cấp chứng chỉ hành nghề cho những đơn vị hoặc người bảo trì, sửa chữa.
Theo Duy Anh (Vietnamnet)