Mới đây, UBND huyện Côn Đảo có quyết định ngừng chạy tàu Côn Đảo 09, một trong hai chiếc tàu vận tải hàng hóa, hành khách ra Côn Đảo suốt 20 năm qua. 16 thuyền viên, nhân viên trên tàu này đã bị đơn phương chấm dứt hợp đồng. Điều này khiến họ bức xúc, gửi đơn thư khiếu nại và khởi kiện ra tòa.
Cho nghỉ toàn bộ thuyền viên
Tàu Côn Đảo 09 chấm dứt hoạt động kể từ ngày 1-3-2019, chỉ còn tàu Côn Đảo 10 hoạt động. Huyện Côn Đảo cũng giao Ban quản lý (BQL) cảng Bến Đầm - chủ quản hai tàu trên khẩn trương thực hiện các thủ tục thanh lý tàu Côn Đảo 09 theo quy định, hoàn thành trong quý II-2019.
Riêng đối với 16 thuyền viên, nhân viên tàu Côn Đảo 09 thì huyện yêu cầu BQL chấm dứt hợp đồng lao động, báo cáo đề xuất hướng giải quyết liên quan đến lương và phụ cấp của họ.
Phòng nội vụ, Phòng LĐ-TB&XH huyện Côn Đảo đã có hướng dẫn về thủ tục chấm dứt hợp đồng viên chức. Theo đó, BQL cảng Bến Đầm được đơn phương chấm dứt hợp đồng với các viên chức, thuyền viên tàu Côn Đảo 09 theo quy định điểm d khoản 1 Điều 29 Luật Viên chức.
Ngày 15-5, quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc đã được BQL cảng Bến Đầm gửi cho từng viên chức tàu Côn Đảo 09.
Tàu Côn Đảo 09 và các thuyền viên trên tàu bị cho nghỉ việc. Ảnh: KL
Trường hợp bất khả kháng
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lữ Đình Quốc (48 tuổi, máy trưởng tàu Côn Đảo 09), đại diện cho các thuyền viên bị nghỉ, cho biết: “Lẽ ra BQL phải rà soát toàn bộ bộ máy để sắp xếp, tinh giản biên chế chung, trong đó có 16 người chúng tôi. Chúng tôi đều được đào tạo bài bản, có bằng cấp chuyên môn, nhiều người gắn bó với tàu đã gần 20 năm, giờ nghỉ cái rụp thì khó tìm việc khác. Chúng tôi kiến nghị phải giải quyết theo chế độ tinh giản biên chế; những người gần về hưu bố trí công việc khác để chờ nghỉ…”.
Theo BQL, tàu Côn Đảo 09 ngưng hoạt động vì không cạnh tranh lại với các tàu đóng mới, hiện đại, phải bù lỗ nhiều. Vì vậy, việc ngừng chạy và thanh lý tàu Côn Đảo 09 là thuộc trường hợp bất khả kháng do thay đổi về cơ chế chính sách, đơn vị buộc phải cho tàu ngừng chạy.
Do đó, căn cứ tình hình thực tế, đơn vị buộc phải đơn phương chấm dứt hợp đồng với các thuyền viên tàu Côn Đảo 09; không có cơ sở để giải quyết theo chế độ nghỉ việc đối với các thuyền viên theo chế độ tinh giản biên chế.
Lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết sở có nhận được đơn kiến nghị của các thuyền viên tàu Côn Đảo 09 về vấn đề này. Hiện Thanh tra Sở được giao nhiệm vụ để trả lời lại cho người lao động.
Tuy nhiên, căn cứ các quy định pháp luật và chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã có hướng dẫn cho huyện Côn Đảo trước đó. Cụ thể, BQL cảng Bến Đầm là đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn, không giao biên chế hằng năm. Do đó, việc giải quyết chế độ cho các thuyền viên tàu Côn Đảo 09 theo chế độ tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014 (và Nghị định 113/2018 bổ sung, sửa đổi sau đó) là không đúng đối tượng.
Về chế độ khi nghỉ, họ sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Ngoài ra, đơn vị sẽ hỗ trợ chi trả tiền thôi việc là một năm có đóng bảo hiểm thì được 1/2 tháng lương.
Được biết các thuyền viên tàu Côn Đảo 09 vẫn không đồng tình với cách giải quyết như trên và đã nộp đơn khởi kiện ra TAND TP Vũng Tàu.
Bán thanh lý tàu dù mới sửa chữa hơn 2,4 tỉ Tại hội nghị viên chức BQL cảng Bến Đầm ngày 25-3, một số cán bộ viên chức tàu Côn Đảo 09 đã đưa ra thắc mắc: Vì sao đã có kế hoạch thanh lý tàu nhưng ngày 25-11-2018, tàu vẫn được cho lên ụ để sửa chữa. Số tiền theo báo cáo là hơn 2,4 tỉ đồng (trong khi tàu Côn Đảo 10 sửa chữa hết hơn 2,1 tỉ đồng). Sau khi sửa, tàu chỉ chạy được hai chuyến (trước tết và ngay sau tết) là ngừng chạy. Lãnh đạo BQL cảng Bến Đầm hẹn sẽ trả lời cụ thể cho cán bộ viên chức trong đơn vị nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. |