Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia năm 2019, các trường ĐH-CĐ bắt đầu dự báo được điểm chuẩn các ngành học năm nay sẽ tăng 1-2 điểm. Nhóm ngành đào tạo sức khỏe và sư phạm cũng nằm trong dự đoán này. Tuy nhiên, do điểm mới của hai nhóm ngành này còn phụ thuộc vào quy định điều kiện và ngưỡng chất lượng đầu vào từ Bộ GD&ĐT nên khiến nhiều trường và thí sinh (TS) lo lắng.
Sư phạm sẽ tăng nhẹ
Đây là năm thứ hai Bộ GD&ĐT tiếp tục quy định ngưỡng chất lượng đầu vào bằng điểm sàn và tiêu chí về học lực khá giỏi của TS. Do đó, sau khi bộ công bố điểm thi, các trường cũng đã có những dự đoán về mức điểm này cũng như điểm chuẩn vào các ngành học.
GS-TS Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh (Nghệ An), cho hay ngưỡng điểm sàn ngành này có thể tăng nhẹ vì sẽ căn cứ phổ điểm kết quả thi THPT quốc gia và chỉ tiêu sư phạm năm nay. “Mức điểm này năm ngoái là 17, năm nay có thể tăng lên 0,5 điểm. Nhà trường sẽ căn cứ vào mức điểm công bố của bộ cùng với nhu cầu của từng ngành để đưa ra mức điểm chuẩn” - ông Khoa nói.
Tuy nhiên, theo GS-TS Khoa, những ngành đào tạo tiểu học, mầm non chắc chắn điểm chuẩn sẽ cao do nhu cầu xã hội tăng và nhiều TS đăng ký. Còn những ngành khác dự kiến sẽ không thay đổi hoặc chỉ tăng nhẹ.
Tương tự, ông Kiều Phương Chi, Trưởng phòng Khảo thí của Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng tuy phổ điểm thi năm nay tăng hơn mọi năm nhưng điểm sàn của nhóm ngành đào tạo giáo viên chắc chắn giữ nguyên ở mức 17 điểm hoặc tăng nhẹ từ 0,5 đến 1 điểm. Và điểm chuẩn vào các ngành nhóm này cũng chỉ tăng nhẹ.
Lý do, theo ông Chi, số lượng TS đăng ký vào nhóm ngành này tăng không nhiều, thậm chí nhiều ngành giảm. Do đó, mức điểm sàn này sẽ đảm bảo được việc tuyển sinh của các trường lớn cũng như ở các địa phương vì việc tuyển sinh đảm bảo nguồn nhân lực sư phạm ở các tỉnh là không dễ.
Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM trong một kỳ thực tập. Ảnh: PL
Theo ông Chi, tại Trường ĐH Sài Gòn, dự báo điểm chuẩn cũng sẽ giữ nguyên hoặc tăng nhẹ với các ngành sư phạm. Việc tăng chủ yếu ở những ngành hot như sư phạm toán, sư phạm mầm non hay tiểu học.
Ông Đinh Văn Quốc, Phó Trưởng phòng Đào tạo của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng khẳng định điểm chuẩn vào các ngành đào tạo giáo viên năm nay sẽ tăng nhẹ ở một số ngành đông TS đăng ký như mầm non, tiểu học... Tuy nhiên, tăng như thế nào còn phụ thuộc số TS đăng ký theo từng ngành và việc điều chỉnh nguyện vọng (NV) của các em. Nhưng quan trọng là bằng việc quy định điểm sàn và các điều kiện đầu vào của TS về học lực giỏi, khá sẽ sàng lọc được TS và nâng chất lượng đầu vào.
Khó dự đoán ngưỡng điểm đầu vào
Lần đầu tiên Bộ GD&ĐT quy định điều kiện và điểm ngưỡng chất lượng đầu vào các nhóm ngành về sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề như y khoa, y học cổ truyền, răng hàm mặt... Với những trường chuyên khoa y dược, điều này không ảnh hưởng nhiều đến ngưỡng đầu vào của trường vì hầu như năm nào điểm chuẩn cũng cao. Tuy nhiên, với những trường không chuyên thì đây sẽ là lo ngại không nhỏ vì để đáp ứng được cả điểm sàn lẫn học lực TS phải khá, giỏi là không dễ.
Ông Nguyễn Khoa Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Huế, cho biết rất khó có thể dự đoán được ngưỡng điểm đầu vào của các ngành sức khỏe năm nay. Tuy nhiên, điểm chuẩn vào các ngành này sẽ không thay đổi so với năm ngoái và sẽ luôn nằm ở mức cao.
Tương tự, đại diện nhiều Trường ĐH Y khoa tại Hà Nội dự đoán điểm chuẩn năm 2019 có xu hướng tăng nhẹ. Tuy nhiên, điểm chuẩn từng trường, từng ngành, từng nhóm tổ hợp tăng/giảm còn phụ thuộc vào NV đăng ký của TS.
GS-TS Đỗ Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết trường đang phân tích để đưa ra điểm chuẩn cuối cùng vào một, hai ngày tới nhưng dự báo điểm chuẩn của trường năm nay sẽ tăng hơn so với năm 2018 (24,75 điểm).
Tuy nhiên, cán bộ phụ trách tuyển sinh ở một trường ĐH tư thục tại TP.HCM cho rằng dự đoán điểm sàn ngưỡng chất lượng đầu vào của khối ngành sức khỏe vào khoảng 15 đến 17 điểm. Đây là mức không cao ở những trường ĐH lớn nhưng có thể áp dụng cho nhiều trường không chuyên.
Theo vị này, việc quy định ngưỡng đầu vào là hợp lý và cần thiết để đảm bảo chất lượng cho khối ngành liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, khó khăn là số TS đăng ký vào nhóm ngành này ở những trường không chuyên y dược năm nay giảm rõ rệt. Số đăng ký thì đông nhưng số đạt điều kiện đề ra của Bộ GD&ĐT về học lực phải giỏi và khá của các em lại ít. Nhiều em điểm xét tuyển các tổ hợp khá cao nhưng học lực lại không giỏi.
“Đây cũng là một thách thức cho các trường trong việc tuyển sinh. Ngay cả xét học bạ cho nhóm ngành này cũng vậy, ít TS đạt yêu cầu. Hiện các trường cũng đang hồi hộp chờ điểm sàn cho nhóm ngành này để có phương án xác định điểm chuẩn cụ thể” - vị này chia sẻ.
Chỉ tiêu vào ngành sư phạm tăng hơn 30% Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, trước ngày 21-7, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành sức khỏe và sư phạm. Ngay sau đó, các trường đào tạo nhóm ngành sức khỏe, sư phạm công bố điểm chuẩn xét tuyển. Năm nay, chỉ tiêu vào ngành sư phạm tăng hơn 30%, số tăng này do dự báo nhu cầu giáo viên của các địa phương trong những năm tới rất cao nên các trường đào tạo cũng có điều chỉnh tăng nhưng cũng chỉ mới đáp ứng 70% nhu cầu. Thế nhưng tổng số NV đăng ký vào sư phạm lại giảm đến 10.000, thậm chí NV 1 vào sư phạm lại giảm hơn 6.700. |