Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), tư vấn ngành nghề tuyển sinh năm 2014 cho thí sinh. Ảnh: QUỐC DŨNG
Mặc dù quyển Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 vừa phát hành cung cấp những thông tin quan trọng về tuyển sinh ĐH, CĐ trong toàn quốc nhưng nhiều trường đã thay đổi thông tin tuyển sinh lại vào “giờ chót” để phù hợp với điều kiện của trường. Thí sinh làm hồ sơ dự thi chỉ nên tham khảo thông tin trong quyển này, vì mọi yêu cầu, điều kiện tuyển sinh của trường phải xem trực tiếp trên trang web của trường để làm hồ sơ dự thi cho đúng.
Hàng loạt thay đổi quan trọng
Trong quyển Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 phát hành ngày 17-3, ĐH Huế thông báo “Phương thức tuyển sinh năm 2014 của ĐH Huế là tổ chức thi tuyển sinh theo hình thức “ba chung” của Bộ GD&ĐT. Riêng Trường ĐH Nghệ thuật từ năm 2014 trở đi sẽ tổ chức vừa thi tuyển và xét tuyển khối H cho bảy ngành đào tạo của trường”. Tuy nhiên, ngày 18-3, Phó Giám đốc ĐH Huế Lê Văn Anh đã chính thức ký thông báo tuyển sinh vào ĐH Huế năm 2014 là: “Không tuyển sinh riêng”, tức không còn tổ chức vừa thi tuyển và xét tuyển khối H vào Trường ĐH Nghệ thuật. Trao đổi với chúng tôi, PGS-TS Lê Văn Anh cho biết: “Do Bộ GD&ĐT chưa chấp thuận đề án nên ĐH Huế sẽ hoàn thiện đề án và sẽ tuyển sinh riêng trong năm tới”.
Cùng với những thay đổi vào “giờ chót”, năm nay ĐH Huế tuyển thêm khối A1 cho các ngành luật, luật kinh tế của Khoa Luật; phát triển nông thôn của Trường ĐH Nông Lâm; công nghệ kỹ thuật môi trường của Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị; công nghệ kỹ thuật điện tử-truyền thông của Trường ĐH Khoa học. Tuy nhiên, ĐH Huế không còn tuyển khối B cho ngành công nghệ chế biến lâm sản của Trường ĐH Nông Lâm và không tuyển khối D1 cho ngành văn học của Trường ĐH Khoa học.
Năm nay Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM thi theo đề án tuyển sinh riêng với khối mới là V1, H1. Theo quy chế, kết quả tuyển sinh của thí sinh đăng ký vào trường tổ chức tuyển sinh riêng chỉ có giá trị xét tuyển vào trường đó, không có giá trị xét tuyển sang trường khác. Tuy nhiên, hai trường ĐH Văn Lang (TP.HCM), ĐH Kiến trúc Đà Nẵng có xét tuyển khối V1, H1 nên chấp nhận xét tuyển những thí sinh chưa trúng tuyển từ Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền đổi mã trường là HBT thay cho mã cũ đã dùng hàng chục năm nay là TGC. Khi đăng ký dự thi, ngoài việc ghi tên ngành và mã ngành theo quy định, học viện yêu cầu thí sinh phải ghi thêm tên chuyên ngành và mã chuyên ngành vào ngay phía phải hàng ghi tên ngành trong hồ sơ đăng ký dự thi, đồng thời khi đi thi phải đăng ký mã chuyên ngành vào danh sách tiếp sinh tại phòng thi.
Tổ chức thi sau nhiều năm xét tuyển
Đây là năm đầu tiên ba trường ĐH Nam Cần Thơ, ĐH Lao động-Xã hội (Cơ sở Hà Nội và Cơ sở 2 TP.HCM) và ĐH Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp tổ chức thi tuyển sinh sau nhiều năm xét tuyển theo kết quả thi “ba chung”.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cũng lần đầu tổ chức thi nhưng chỉ thi khối A, A1; còn khối B, D1 xét tuyển dựa trên kết quả thi “ba chung”. Đặc biệt, thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên và không có môn nào dưới 7 điểm được xét tuyển vào lớp sinh viên tài năng của trường. Đồng thời, sinh viên được miễn hoàn toàn học phí, có chỗ ở miễn phí trong ký túc xá và được hưởng học bổng ngay từ năm đầu.
Đổi cách định điểm trúng tuyển, vừa thi vừa xét
Kỳ thi năm 2014, Trường ĐH Tài chính-Marketing TP.HCM lấy điểm trúng tuyển chung cho tất cả các ngành chứ không xét theo khối thi và ngành đào tạo như mọi năm. Còn Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng đổi cách xét điểm trúng tuyển theo ngành như mọi năm thành điểm trúng tuyển chung cho tất cả các ngành theo khối thi, trừ luật kinh tế và ngôn ngữ Anh xét tuyển theo điểm trúng tuyển riêng. Đồng thời, trường cũng tuyển thêm khối D1 cho tất cả các ngành học.
Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chỉ tổ chức thi tuyển đợt 1 cho khối A và A1, còn các khối B và D1 thí sinh phải mượn trường ĐH khác để “thi nhờ” theo đề thi “ba chung”. Trường ĐH Nông nghiệp cũng chỉ tổ chức thi khối A và B, còn khối C và D1 xét tuyển. Tương tự, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông (Cơ sở Hà Nội và cơ sở 2 TP.HCM) và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định tổ chức thi khối A và A1, còn khối D thí sinh phải “thi nhờ”. Hai khối A và D1 Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tổ chức thi, còn khối B, V, H chỉ xét tuyển. Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh chỉ thi duy nhất khối A, còn khối A1, D1 xét tuyển.
Bỏ khối A thi khối A1
Trường ĐH Hà Nội chỉ tuyển khối A1 và D thay cho khối A và D như mọi năm. ThS Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hà Nội, cho biết: “Tất cả các ngành của trường, kể cả ngành công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, tài chính-ngân hàng, kế toán đều được giảng dạy hoàn toàn bằng ngoại ngữ nên tuyển đầu vào bằng khối A1 có lợi hơn cho thí sinh thay cho khối A. Thay đổi này có thể gây hụt hẫng đối với những thí sinh giỏi khối A muốn dự thi vào trường nhưng việc chuyển sang thi khối A1 (toán, lý, tiếng Anh) ngay từ đầu sẽ giúp sinh viên thuận lợi hơn trong thời gian nâng cao năng lực ngoại ngữ chuẩn trước khi học chuyên ngành”.
Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bỏ khối A, A1 và chỉ tuyển khối C, D cho ngành giáo dục chính trị; ngành giáo dục công dân bỏ khối A, A1, B và tuyển khối C, D; ngành sư phạm tiếng Pháp bỏ khối D1, chỉ tuyển khối D3; riêng ngành sư phạm sinh tuyển thêm khối A.
Trường ĐH Sài Gòn thêm khối C ngành giáo dục tiểu học. Trừ ngành công nghệ sinh học, kỹ thuật hóa học, kỹ thuật môi trường, kỹ thuật dầu khí, công nghệ thực phẩm, kiến trúc thì 17 ngành còn lại của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đều tuyển thêm khối A1. Còn Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) cũng tuyển các ngành ngôn ngữ Nga, quốc tế học, Đông phương học thêm khối A1.
Hệ CĐ cũng thi đề ĐH Trong khi hệ CĐ của tất cả các trường ĐH chỉ xét tuyển theo kỳ thi “ba chung” thì thí sinh muốn vào hệ CĐ của Trường ĐH Y khoa Vinh phải thi tuyển theo đề thi ĐH khối B giống như thí sinh chọn học hệ ĐH của trường này. Trong khi đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng tổ chức đợt thi vào hệ CĐ nhưng thí sinh chỉ phải thi đợt 3 - đợt ra đề thi dành cho các trường CĐ. |
Thêm sai sót trong quyển Những điều cần biết… Báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 20-3 thông tin sai sót trong quyển Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 khi các trường bị dừng tuyển sinh nhưng vẫn có tên trong quyển này, chúng tôi còn phát hiện thêm Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) tuyển ngành công nghệ sinh học khối A, A1, B và D1 nhưng trong quyển này thiếu khối D1;Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM thiếu ngành khoa học môi trường (mã ngành D440301, khối A và B, chỉ tiêu 80); Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM tổng chỉ tiêu là 2.850 (không phải 2.750) và chỉ tiêu dành cho liên thông ĐH là 200 (không phải 100). Thêm vào đó, nội dung quyển Những điều cần biết… là từ các trường cung cấp cho Bộ GD&ĐT, và Bộ cung cấp lại cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Có nghĩa, đây là những thông tin chính thức do Bộ GD&ĐT đã duyệt chỉ tiêu, khối thi, mã ngành, mã trường... mà các trường đăng ký. Tuy nhiên, quyển này lại đề tên hai tác giả và ghi “tuyển chọn”! |