HUYỀN THOẠI VÕ QUẢNG NGÃI - BÀI 1

Hạ võ sĩ vô địch quốc gia trong 2 phút

Lần đầu tiên bị ban tổ chức xử ép cho địch thủ thắng. Lần thứ hai gặp lại, võ sĩ Nguyễn Phi Hùng đã chứng minh tài nghệ của mình.

Bị xử ép

Tháng 3-1974, Tổng cục Quyền thuật của chính quyền Sài Gòn tổ chức thi đấu tranh giải vô địch Việt Nam từ 27-3-1974 tại sân Tinh Võ và kết thúc vào đêm 1-4-1974. Tổng cộng 130 võ sĩ gồm 27 nữ, 103 nam tham dự. Trong đó thi đấu quyền Anh 42 võ sĩ, đấu võ tự do 61. Lập tức, cuộc tỉ thí tranh vương niệm vô địch quốc gia của Tổng cục Quyền thuật được dàn xếp để ban tổ chức đánh bạc, cá độ.

Võ sĩ Phi Hùng, Quảng Ngãi bốc thăm độ 16, đấu với Xuân Thịnh số 13, võ đường Xuân Bình. Hôm sau, ban tổ chức đã đổi vị trí: võ sĩ Phi Hùng gặp võ sĩ vô địch quốc gia Trần Cường với ý định: “Võ sĩ miền Trung sẽ trở thành bao xốc bằng thịt cho cao thủ Trần Cường biểu diễn”.

Võ sĩ Trần Cường lúc đó đã nổi danh như cồn. Bởi cú đấm tay phải của võ sĩ này được ví như chiếc búa máy đang bị nén hơi. Chỉ cần cú đấm này bung ra, đối thủ giao đấu trúng đòn sẽ lộn cổ mấy vòng và lăn vào góc sàn đài chờ trọng tài đếm thời gian nốc ao. Hầu hết các trang báo đều tập trung “chăm sóc” võ sĩ Trần Cường. Họ đều cho rằng lên đài độ một phút, cú đánh dứt điểm phát một của võ sĩ Trần Cường sẽ khiến “con gà của Quảng Ngãi lọt vô sàn đài, rũ cánh”.

Thế nhưng cựu võ sĩ vô địch Việt Nam - Lê Thanh Tùng thời bấy giờ thì nghiêm mặt khi trả lời báo giới: “Coi chừng chuyến này bị cao thủ miền Trung lượm chức vô địch. Họ nhà quê nhưng không phải loại thường đâu”.

Hạ võ sĩ vô địch quốc gia trong 2 phút ảnh 1

Trận so tài với võ sĩ vô địch quốc gia Trần Cường năm 1974.

Trận đấu diễn ra nảy lửa, võ sĩ Trần Cường phải chống đỡ đòn đánh từ dưới lên, từ trên xuống và liên tục ngã kềnh ra sàn đài. “Võ sĩ Quảng Ngãi thắng con gà Trần Cường” - khán giả cuồng nhiệt tột độ.

Kết thúc ba hiệp, ban tổ chức bất ngờ tuyên bố: Võ sĩ Trần Cường thắng điểm. Cả sân Tinh Võ náo động vì khán giả phản đối, chửi thề và văng tục. Các võ sư Lý Huỳnh Yến, Lý Hùng, Kim Kê, Lê Thanh Tùng, Lê Sơn Hải… nhảy lên phản đối.

Sáng hôm sau, tức ngày 30-3-1974, nhiều tờ báo đã dành trang nhất để nói về võ thuật và phản đối sự phán quyết của ban tổ chức. Tờ báo Quật Cường thì bình luận và đặt câu hỏi: Đây có phải là một cuộc tranh giải vô địch quốc gia hay là một cuộc tổ chức cờ gian bạc lận để cho khán giả đánh cá?

Bất phân thắng bại, hai bên thách đấu lần 2 vào ngày 26-8-1974.

Đòn quyết định

Ngày 26-8-1974, tại sân Tinh Võ, khán giả cuồng nhiệt tột độ khi võ sĩ vô địch quốc gia Trần Cường thi đấu võ tự do hạng 53 kg với võ sĩ Nguyễn Phi Hùng.

Hạ võ sĩ vô địch quốc gia trong 2 phút ảnh 2

Võ sĩ Nguyễn Phi Hùng thời trẻ.

Trần Cường bay song phi kèm theo một trận đấm đá như mưa. Và chỉ chờ có thế, võ sĩ Phi Hùng gạt nhẹ làm lệch hướng đi như gió của cú đấm ngàn cân từ nhà đương kim vô địch. Cú đấm lướt qua má phải bỏng rát như viên đạn. Chân trái tung một cú đá xé gió, đặt xuống, thọc sâu vào giữa hai chân trụ của nhà vô địch đang chúi người.

Ầm! Một cú chỏ lật cắm phập vào mặt võ sĩ Trần Cường. Đối với giới võ sĩ Quảng Ngãi, chỏ, gối cũng đồng nghĩa với hai chữ “kết thúc”. Không võ sĩ nào chịu nổi đòn hiểm hóc này.

Khán giả hoa mắt và gào thét khi trận đấu mới vừa hơn 2 phút, nhà đương kim vô địch miền Nam Việt Nam, người vốn được coi là hung thần, mãnh hổ trên sàn đấu đã mềm oặt, nằm đo ván. Trọng tài đếm đến 8, võ sĩ Trần Cường nhỏm dậy như tiếc nuối chiếc vương niệm, rồi lại ngã vật xuống. 2.000 khán giả vỡ tung trên sân Tinh Võ: Quảng Ngãi vô địch! Con gà Trần Cường ao đài…!!

Sáng hôm sau, nhiều tờ báo ở Sài Gòn đã rầm rộ đưa tin lên trang nhất. Báo Độc Lập số ra ngày 27-8-1974 lấy tựa đề: “Khán giả hò reo trút hầu bao ban thưởng, Hùng phục thù hạ Cường đo ván nội 2’10’’ sau hiệp đầu. Nội dung bài báo tường thuật: “Vừa ráp trận, Trần Cường xông vào, Nguyễn Phi Hùng tung ngọn đòn cùi chỏ ác liệt trúng ngay mặt, Trần Cường té nằm dài “đo ván” ngay ở hiệp đầu, trận đấu mới 2 phút 10 sao…”.

Một trận đấu thu hai lon vàng

Quảng Ngãi thời bom rơi, loạn lạc. Thế nhưng võ thuật luôn âm ỉ được truyền dạy từ nơi này sang nơi khác.

Lớn lên trong cái nôi mà võ thuật đã trở thành một dòng chảy văn hóa ngấm vào máu thịt và ứng xử của cộng đồng. Từ đó võ sĩ Phi Hùng đã nhanh chóng thụ đắc được tất cả quyền cước lợi hại của các môn võ: Thái Lan, Võ Lâm Bắc phái, võ cổ truyền, karate, Thái Cực đạo… từ người anh - võ sư Nguyễn Hồng.

Hạ võ sĩ vô địch quốc gia trong 2 phút ảnh 3

Tờ báo Quật Cường viết về Phi Hùng.

Các võ sĩ danh tiếng ở miền Trung khi so găng lần lượt bị Phi Hùng hạ đo ván một cách dễ dàng. Đó chính là nguyên nhân dẫn dắt anh tìm vào Sài Gòn để thi thố với các cao thủ.

Trước thi đấu mấy ngày kể từ lúc bắt thăm, dân ở Sài Gòn sôi lên bàn tán chuyện võ sĩ kiêm lực sĩ Trần Cường vô địch Việt Nam lại thi đấu với một võ sĩ vô danh tiểu tốt Nguyễn Phi Hùng.

Võ sư Minh Cảnh, ở Sài Gòn, học trò Phi Hùng: “Sư phụ ra nước ngoài xem thằng này thi đấu mấy lần rồi. Nó có đòn “đìa-réc” hiểm ác, con đánh trúng nó 10 đòn nhưng chỉ cần nó trả một đòn thôi là răng bay tung tóe, nằm liệt sàn đài…”.

Riêng dân Quảng Ngãi đang làm nghề ở Sài Gòn thì ai cũng muốn xem mặt võ sĩ cùng quê. Đến thăm võ sĩ, một người đàn bà xinh đẹp, vợ của một sĩ quan ngụy thốt lên: “Chết em ơi! Gầy gò như vầy mà đánh chi với cái thằng khỏe như ngựa. Chị là đồng hương, quê ở Đức Phổ nè. Chị cho chút tiền em đón xe về quê tập luyện, tẩm bổ rồi sau này hẵng tính”.

Và trong trận quyết đấu với nhà đương kim vô địch, khán giả tỏ lòng mến mộ chàng thư sinh bằng cách ào lên ủng hộ tiền. Sáng hôm sau, báo Độc Lập lấy tựa đề: “Khán giả hò reo trút hầu bao ban thưởng 76.500 đồng (Cường chỉ được 2.000 đồng), số tiền kỷ lục 20 năm tổ chức thi đấu”. Còn báo Đông Phương viết: “Lần đầu tiên võ sĩ miền Trung Nguyễn Phi Hùng làm chấn động làng võ…”.

Thời bấy giờ, số tiền trên Phi Hùng mua vàng đổ đầy hai lon sữa bò mang về phân phát cho đồng đội. Còn võ sĩ Trần Cường, sau này lại tiếp tục thách đấu lần ba với võ sĩ Phi Hùng và lại thảm bại.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm