Thêm nhiều ngân hàng lớn tham gia cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm

(PLO)- Theo phân tích của chuyên gia, việc lãi suất tiết kiệm tăng nhiều khả năng có nguyên nhân từ việc các ngân hàng dự báo về cầu tín dụng thời gian tới sẽ tăng mạnh cùng với sự phục hồi của kinh tế.

Trong thời gian qua, hàng loạt ngân hàng bao gồm Sacombank, TPBank, VIB, BVBank, Shinhan Bank, GPBank, BacABank cũng tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1% tới 0,5% tùy kỳ hạn.

Ngân hàng Techcombank cũng không thể đứng ngoài cuộc đua nâng lãi suất huy động
tiền gửi tiết kiệm

Cũng có ngân hàng vừa điều chỉnh tăng vừa điều chỉnh giảm lãi suất, tùy vào từng kỳ hạn, như tại Oceanbank. OceanBank hiện đang chào mức lãi suất cao nhất thị trường với tiền gửi kỳ hạn 24 tháng là trên 6%/năm.

Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn nâng lãi suất tiết kiệm

Cập nhật của PLO cho thấy cuộc chạy đua nâng lãi suất tiết kiệm chính thức có sự nhập cuộc của nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần lớn như Techcombank, VIB, Sacombank và ACB.

Còn nhớ, trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông mới đây vào ngày 20-4, ở thời điểm đó, trong bối cảnh đã có bảy ngân hàng vào cuộc đua tăng lãi suất huy động, CEO Techcombank ông Jens Lottner khẳng định Techcombank sẽ không tham gia cuộc đua này.

Tuy nhiên đến hiện tại, sau gần 4 tuần, đến ngày 8-5, Techcombank cũng đã chính thức nhập cuộc đua lãi suất khi mà riêng trong tháng 4-2024 đã có đến gần 20 ngân hàng thương mại tư nhân khác đã làm như vậy.

Theo biểu lãi suất công bố mới nhất vào ngày 8-5, tùy theo phân loại khách hàng và số tiền gửi Techcombank tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng thêm 0,3 điểm % lên khoảng 2,55 – 2,9%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng tăng thêm 0,4 điểm % lên 2,95 – 3,3%/năm.

Techcombank cũng tăng thêm 0,3 điểm % lãi suất huy động kỳ hạn 6-11 tháng lên mức 3,85 – 4,1%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12-36 tháng cũng đồng loạt tăng thêm 0,1 điểm % lên 4,65 – 4,9%.

Ngân hàng Quốc tế (VIB) đồng thời điều chỉnh lãi suất huy động. Lãi suất kỳ hạn từ 2 đến 11 tháng được điều chỉnh thêm tối đa 0,2%. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng hiện đang được VIB niêm yết ở mức 2,5%/năm, và lãi suất kỳ hạn 15-36 tháng là 4,8%/năm, đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất tại VIB ở thời điểm này. Khoản tiền gửi từ 300 triệu trở lên đã được hưởng mức lãi suất này.

Cách đây vài ngày, ngân hàng ACB và ngân hàng Sacombank cũng đã nâng lãi suất huy động, ngay sau dịp nghỉ lễ 30-4, ACB tăng 0,2% lãi suất huy động các kỳ hạn 1 - 3 tháng đối với tất cả các mức tiền gửi còn Sacombank vào ngày 6-5 nâng lãi suất huy động kỳ hạn 1-3 tháng với tất cả các mức tiền gửi, mức tăng 0,2 - 0,5%.

Lãi suất huy động tiền gửi có thể tăng đến mức nào?

Nói về lý do đằng sau các đợt huy động lãi suất tiền gửi, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh trong chia sẻ gần đây với PLO phân tích khi các ngân hàng nhìn thấy đầu ra của tín dụng tăng trưởng, tất yếu họ phải nâng lãi suất huy động tiền gửi đầu vào để có thêm nguồn cung vốn.

Về nguyên tắc, tín dụng đi theo tăng trưởng kinh tế. Nếu kinh tế sôi động hơn như dự báo thì cầu tín dụng sẽ tăng nhanh dẫn đến các ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động để có nguồn tiền. "Xu thế tăng lãi suất sẽ đặc biệt rõ ràng trong vòng khoảng từ 2-3 tháng tới" - ông Nguyễn Đức Hùng Linh nói.

Nhận định này cũng được chia sẻ bởi quỹ Dragon Capital. Trong báo cáo nghiên cứu mới đây, tổ chức này dự báo lãi suất tiết kiệm có thể sẽ tăng 0,3 - 0,5% trong các tháng tới. Dragon Capital cho rằng, đây có thể được coi như một đợt điều chỉnh lãi suất giữa chu kỳ giảm lãi suất để giảm bớt áp lực tỷ giá.

Còn theo phân tích của ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm KHCN, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, các ngân hàng thường phải duy trì mức biên lợi nhuận từ 1,5-2%. Thời gian qua, lãi suất cho vay ra có tài sản đảm bảo rơi vào khoảng 8-10%, vậy thì lãi suất huy động cao nhất chỉ trong khoảng 6 -7%. Như vậy nếu so với mức lãi suất hiện tại của một số các ngân hàng, lãi suất tiết kiệm vẫn còn có thể tăng nhưng không quá nhiều.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới