Ngày 21-7, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) chính thức công bố tình hình kinh doanh từ ngày 1-4 đến 30-6-2021.
Theo đó, doanh thu của HSG ước đạt 12.986 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.701 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 90%, 435% so với cùng kỳ và 20%, 64% so quý vừa qua. Riêng tháng 6-2021, doanh thu ước đạt 3.870 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 562 tỉ đồng.
Như vậy, 9 tháng niên độ tài chính 2020-2021 (từ 1-10-2020 đến 30-6-2021), doanh thu của HSG ước đạt 32.932 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 3.371 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 72%, 381% so với cùng kỳ.
Với kết quả này, HSG đã thực hiện 99,8% kế hoạch doanh thu và 225% kế hoạch lợi nhuận niên độ tài chính. HSG tự tin dự báo lợi nhuận sau thuế niên độ 2020 – 2021 sẽ vượt 4.000 tỉ đồng.
Tương tự, “ông lớn” khác của ngành thép là Hòa Phát (HPG) cũng phát đi những thông tin sản xuất kinh doanh lạc quan dù chưa công bố tình hình doanh thu, lợi nhuận quý II-2021.
Theo đó, lũy kế 6 tháng, HPG sản xuất hơn 4 triệu tấn thép thô, tăng 55% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt gần 4,3 triệu tấn, tăng hơn 60% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực nông nghiệp và bất động sản cũng duy trì được sự tăng trưởng.
Đặc biệt, tổng lượng điện phát của các nhà máy nhiệt điện thuộc Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Dung Quất đã đạt trên 1 tỉ kWh. Với con số này, HPG tự chủ phần lớn điện sản xuất và tiết kiệm được khoảng 1.700 tỉ đồng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Do vậy, số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước cũng tăng mạnh so với năm trước. 6 tháng đầu năm 2021, HPG nộp ngân sách hơn 5.200 tỉ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ 2020.
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tính toán, kết hợp hài hòa giữa thị trường nội địa và xuất khẩu để thoát khó mùa COVID-19. Ảnh: TA
Tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 từ cuối tháng 4-2021 kéo dài đến nay đã gây ra nhiều tác động đến tình hình kinh tế - xã hội.
Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất cho biết, một tháng trước đây, họ đã chủ động triển khai các phương án ứng phó với các tình huống dịch ở mức độ cao nhất. Các doanh nghiệp đã đưa công nhân vào hệ thống các nhà máy để thực hiện “sản xuất tại chỗ - ăn uống tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ”, thực hiện các quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch, xét nghiệm RT-PCR mỗi tuần một lần.
Do có sự chủ động từ trước nên điều kiện ăn, ở, sinh hoạt tốt, chế độ đãi ngộ phù hợp nên sức khoẻ và tinh thần của người lao động rất tốt, đảm bảo việc sản xuất kinh doanh được liên tục, không bị gián đoạn.
Một điểm nhấn đáng chú ý giúp các doanh nghiệp Việt vượt bão COVID-19 là phân khúc thị trường xuất khẩu. Sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp này đang tăng trưởng mạnh mẽ ở cả thị trường truyền thống đến các thị trường mới khai thác; Đặc biệt tại các thị trường như Bắc Mỹ và Châu Âu, những đơn hàng xuất khẩu với khách hàng được bảo đảm đến hết tháng 11-2021.
Cùng với doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, các ngân hàng cũng báo lãi 6 tháng qua với những con số khởi sắc.
Cụ thể, Techcombank báo lãi trước thuế 6 tháng đạt 11.500 tỉ đồng, tăng 71%, đạt 58% kế hoạch năm. VPBank lãi trước thuế 9.000 tỉ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ, đạt 54% kế hoạch năm.
MB đạt lợi nhuận gần 8.000 tỉ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. ACB lãi trước thuế 6.400 tỉ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước, đạt 60% kế hoạch năm.
Nhiều ngân hàng vẫn kinh doanh hiệu quả trong dịch COVID-19. Ảnh: HH
6 tháng đầu năm 2021, VIB cũng báo lãi trước thuế 3.952 tỉ đồng, tăng 68% cùng kỳ. Tổng doanh thu đạt 7.308 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước. TPBank đạt doanh thu 6.233 tỉ đồng, tăng 27% so với cùng kì, lợi nhuận trước thuế bán niên của ngân hàng đạt hơn 3.007 tỉ đồng, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 54% kế hoạch cả năm.
Nhóm ngân hàng BIG 4 như Vietinbank, Vietcombank cũng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với mức lãi lớn. Vietinbank ước tính lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 13.000 tỉ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước. Vietcombank ước lãi trước thuế hơn 14.500 tỉ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, đạt 56% kế hoạch năm.