Ngày 25-7, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị toàn quốc sơ kết công tác sáu tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia).
“Có dấu hiệu bảo kê của lực lượng chức năng”
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, thực tế trên thị trường vẫn tồn tại nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng hóa được nhập lậu từ biên giới vào thị trường nội địa, trên bao bì, nhãn mác hàng có ghi dòng chữ “Made in Vietnam”.
Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi làm giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam (VN), lừa dối người tiêu dùng. Ngoài ra còn xuất hiện tình trạng lợi dụng xuất xứ “Made in VN” để đưa sản phẩm vào thị trường VN tiêu thụ một phần hoặc đưa đi xuất khẩu ở các thị trường khác. “Gần đây, báo chí có phản ánh việc một số sản phẩm đặc trưng của nước ta khi xuất khẩu sang Mỹ đã bị giả mạo thương hiệu như trà, cà phê, nước mắm” - ông dẫn chứng.
Ông Linh cho biết những mặt hàng bị giả mạo chủ yếu gồm thực phẩm, rau củ quả; hàng dệt may; quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em; đồ dùng, thiết bị giáo dục; chất tẩy rửa, hàng gia dụng, điện gia dụng, điện tử; thiết bị xây dựng.
“Phương thức, thủ đoạn giả mạo xuất xứ chủ yếu là thay nhãn, thay xuất xứ của hàng hóa hoặc nhập nguyên liệu, bán thành phẩm hoặc thành phẩm về sang chiết, đóng gói, thay nhãn để đưa đi tiêu thụ trong thị trường nội địa. Nếu cơ quan thực thi không có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định chất lượng thì việc phát hiện vi phạm là rất khó khăn” - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nêu những khó khăn mà cơ quan chức năng gặp phải.
Đề xuất giải pháp, ông Linh cho rằng người tiêu dùng cần kịp thời thông tin, tố giác đến các cơ quan chức năng các trường hợp mua bán hàng hóa qua mạng vi phạm các quy định của pháp luật để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Ngoài ra, người đứng đầu Tổng cục Quản lý thị trường cũng lưu ý việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để thông tin rộng rãi các vụ việc vi phạm cho người tiêu dùng biết và tránh.
Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (C03, Bộ Công an), đã thông tin về một số đường dây của nhóm tội phạm buôn lậu nổi cộm thời gian qua. Đáng chú ý là đường dây buôn lậu điện thoại theo đường hàng không hoặc thành lập các công ty hoạt động buôn lậu như Nhật Cường ở Hà Nội. Ngoài ra, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Bộ Công an phá đường dây sản xuất xăng giả của Trịnh Sướng ở Sóc Trăng…
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: “Chúng ta nói nhiều về trách nhiệm người đứng đầu nhưng thực tế chưa thực hiện nghiêm”. Ảnh: VGP
Ông Ngọc cũng nêu lên một số tồn tại như có dấu hiệu bảo kê, tiêu cực của lực lượng chức năng. “Chúng tôi thống kê 25 địa phương có biên giới vùng biên trong sáu tháng đầu năm, chỉ có sáu địa phương khởi tố án buôn lậu” - ông Ngọc nói.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng cho thấy thời gian qua, trưởng ban chỉ đạo đã trực tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo những vụ việc nổi cộm. Trong đó có việc xem xét làm rõ trách nhiệm của các lực lượng chức năng để xảy ra các vi phạm kéo dài như vụ việc Công ty TNHH điện thoại Nhật Cường tại Hà Nội; vụ xăng giả Trịnh Sướng ở Sóc Trăng.
Cũng tại hội nghị, Đại tá Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển VN, cho hay trong sáu tháng đầu năm, cơ quan này đã bắt giữ và xử lý 21 tàu, thu giữ 1,7 triệu lít dầu DO và lượng lớn xăng A95 buôn lậu.
“Các đối tượng buôn lậu xăng dầu trên biển trang bị cả súng trung liên với băng đạn đầy ắp, để ngay trên giường ngủ ở trên các tàu và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, phát hiện” - ông Nam nói.
Thay thế, điều chuyển người đứng đầu
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đánh giá công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả “tuy được tập trung chỉ đạo nhưng chưa tạo ra chuyển biến căn bản”.
Tình trạng hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn được bày bán công khai nhiều nơi. Ông dẫn chứng vụ việc hàng thời trang có tổng giá niêm yết hàng chục tỉ đồng vừa phát hiện tại trung tâm mua sắm ở Móng Cái, Quảng Ninh.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý một bộ phận cán bộ, công chức còn thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy trình công tác, có biểu hiện bao che, thậm chí có trường hợp bảo kê, vi phạm pháp luật, tham nhũng khi thi hành công vụ.
“Kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Chúng ta nói nhiều về trách nhiệm người đứng đầu nhưng thực tế chưa thực hiện nghiêm. Sau nhiều vụ việc xảy ra ở địa phương và trung ương vẫn chưa xem xét trách nhiệm người đứng đầu để xử lý đúng mức” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo: Nếu tỉnh, TP nào xảy ra tình trạng bày bán, tàng trữ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, gian lận thương mại… thì phải thay thế, điều chuyển người đứng đầu.
Theo Phó Thủ tướng, vấn đề gian lận xuất xứ của VN mà các tổ chức nước ngoài phát hiện ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ đối ngoại, xuất khẩu. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phối hợp với Bộ Công an trong việc chỉ đạo điều tra, xử lý một số vụ việc điển hình.
Hải quan nói về vụ liên quan Asanzo Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Cẩn đề cập đến vụ việc được dư luận đặc biệt quan tâm khi nhãn hàng Asanzo dính cáo buộc giả mạo xuất xứ VN. “Hiện đang nóng đối với vụ Asanzo. Chúng tôi đã khởi tố vụ án, chuyển cho cơ quan công an điều tra về hành vi một công ty con nhập khẩu hàng giả xuất xứ VN để tiêu thụ, giả mạo nhãn mác (cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án buôn lậu xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sa Huỳnh nhập hàng từ Trung Quốc, gắn mác Asanzo... - PV)” - tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thông tin, đồng thời cho biết việc này đang được xác minh, điều tra sâu. Ông Cẩn cũng cho biết đơn vị sẽ cố gắng trong hai tuần nữa đưa ra kết luận về hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ và tổ chức sản xuất hàng giả, tiêu thụ hàng giả đối với một số doanh nghiệp liên quan đến nhóm hàng điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm..., qua đó góp phần ngăn chặn các vi phạm này. Xem xét trách nhiệm cục trưởng Về vụ việc bày bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xảy ra ở Móng Cái, Quảng Ninh vừa phát hiện vào đầu tháng 7, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu tổng cục trưởng xem xét trách nhiệm của cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh, báo cáo trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trước ngày 1-9 tới. “Nghiên cứu thực hiện thí điểm không bổ nhiệm cục trưởng Quản lý thị trường tại các địa bàn trọng điểm như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP Hà Nội, TP.HCM, Long An, An Giang... từ nguồn nhân sự tại chỗ hoặc người địa phương” - Phó Thủ tướng chỉ đạo. |